Một số cảng được xây mới nhằm di dời cảng biển từ nội ô TP.HCM ra vùng ven. Thế nhưng do hạ tầng không đồng bộ, quy hoạch kém, thiếu vốn nên có cảng xây dở dang, có cảng chỉ khai thác... “cầm hơi”.
Giải ngân hơn 1.000 tỉ đồng, triển khai được 38%, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước phải ngừng hơn hai năm nay do thiếu vốn - Ảnh: Đình Dân
|
Nguồn nào cũng cạn Ở dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước Nhà nước đã tạm ứng ngân sách để thực hiện. Trong năm 2009-2010 số tiền ngân sách ứng ra 449 tỉ đồng, sau đó nguồn này bị ngưng. Trước tình hình khó khăn, các cổ đông của dự án rút vốn góp nên hiện cảng Sài Gòn là cổ đông lớn nhất. Năm 2011 Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) đã có hợp đồng tài trợ vốn cho dự án này với tổng mức tín dụng lên đến 2.000 tỉ đồng. Nhưng sau đó, do chính sách thắt chặt tín dụng nên ngân hàng này cũng không thể giải ngân cho dự án. |
Hơn bốn năm trước, vào ngày 16-5-2009, khi khởi công cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, nhiều người kỳ vọng sẽ giúp thực hiện việc di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) vào năm 2011. Thế nhưng, mới đây Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã chính thức tuyên bố tạm dừng dự án vì hết vốn và không có đường vào cảng.
Sau bốn năm kể từ ngày khởi công, đến nay muốn đi vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước vẫn chưa có đường. Tuyến đường D3 nối từ khu công nghiệp vào cảng vẫn chưa được xây dựng.
Một số nhân viên đến cảng làm việc phải thuê xe ôm băng qua những lối mòn ven sông Soài Rạp để vào cảng. Mặc dù mới tuyên bố tạm dừng dự án nhưng thực tế hoạt động xây dựng đã ngưng từ lâu. Khu lán trại công nhân bỏ hoang phế.
Từng bãi cọc móng làm dở dang giờ đã bị vùi lấp trong cỏ dại. Đi sâu vào khu vực cảng, chỉ lèo tèo vài ba nhân viên bảo vệ đang ngồi câu cá trên những đống sắt thép phủ bạt đã bị hoen gỉ theo thời gian.
Một nhân viên trong cảng dẫn chúng tôi tới hàng loạt công trình xây dựng dở dang trong khu vực cảng, dễ thấy nhất là 400m cầu tàu “hoành tráng” chạy dọc bờ sông Soài Rạp. Hàng trăm tỉ đồng đã được đổ vào đây nhưng nay thợ thi công đã bỏ dở vì không tiếp tục nhận được tiền của chủ đầu tư. Khu hậu cần của cảng nhiều hạng mục xây dựng đang còn dở dang khác như các kho hàng rời, bãi chứa container...
Theo tìm hiểu, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước làm chủ đầu tư (trong đó Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn giữ cổ phần chi phối với 88%). Cảng được xây dựng trên bờ sông Soài Rạp thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Nhà Bè, TP.HCM, với tổng diện tích khoảng 100ha.
Mục tiêu khi hoàn thành cảng sẽ trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời cảng sẽ góp phần đưa khu Nam TP.HCM thành khu đô thị cảng, tạo tiền đề để TP.HCM phát triển tiến ra hướng biển Đông.
Theo ông Lê Công Minh - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn, giai đoạn 1 của dự án được công bố xây dựng trên diện tích 54ha, 800m cầu cảng bao gồm ba bến, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 50.000 DWT, công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.
Sau bốn năm ròng rã, đến thời điểm này số tiền đã giải ngân vào dự án là 1.043 tỉ đồng, hoàn thành 38% khối lượng xây dựng, làm được 200m cầu tàu trên tổng số 800m của dự án, hai bến phao, trên cầu tàu đã lắp đặt được ba cần cẩu, sáu cẩu ngoạm... Ông Nguyễn Hoàng Dũng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, than thở: “Khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là không thu xếp được vốn đầu tư nên dự án đã phải tạm dừng thi công từ cuối năm 2011 đến nay. Hiện có hàng loạt hạng mục đang dở dang bị xuống cấp nghiêm trọng”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: