Top

Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc:

Vừa làm vừa nghiên cứu

Cập nhật 06/04/2010 09:30

Trong khi người dân và giới kiến trúc sư bày tỏ lo ngại về thực trạng kiến trúc tại các tuyến đường mới nâng cấp như đại lộ Đông - Tây, đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa..., thì giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM Trần Chí Dũng lại cho rằng thiết kế đô thị cần phải có thời gian. Ông nói:


Công trình mọc chen giữa dãy nhà kiến trúc Pháp trên đại lộ Đông - Tây, quận 1, TP.HCM - Ảnh: P.P.H.

Chúng ta đang lập thiết kế đô thị trên cơ sở chỉnh trang cải tạo tuyến. Theo ý kiến cá nhân tôi, đối với những khu dân cư liên kế hiện hữu thì ta đã thống nhất quy định, ràng buộc độ cao tầng trệt, tầng 1 đều nhau. Công việc thiết kế đô thị nhằm mục đích thực hiện cải tạo từng bước đi vào thống nhất. Không bắt buộc phải làm nhanh, có ngay như những khu mới.

Không nên án binh bất động

Lập thiết kế đô thị (TKĐT) bài bản có ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý xây dựng, trật tự và phát triển đô thị. TKĐT tạo điều kiện cho sự phát triển đô thị đồng bộ, toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và xã hội, hài hòa về không gian và cảnh quan đô thị. Nó còn là cơ sở có tính hướng dẫn về đầu tư xây dựng được sự đồng thuận của nhiều đối tượng, tạo sự an tâm nhất định cho người đầu tư và cộng đồng. Ngoài ra, TKĐT còn tạo điều kiện phục vụ cho công việc quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị nói chung.

Luật quy hoạch đô thị, cơ sở pháp lý cao nhất về TKĐT nói riêng và nhiều công việc khác thuộc lĩnh vực quy hoạch đô thị, có hiệu lực từ 1-1-2010 nhưng đến nay Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn. Vì vậy đội ngũ lập TKĐT của TP.HCM có lúng túng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta “án binh bất động” trong việc lập TKĐT. Song cần thấy rằng TKĐT là công việc phức tạp. Nguyên nhân một phần do đội ngũ nghiên cứu về TKĐT chưa đủ và chưa có kinh nghiệm. Song khó nhất vẫn là làm sao để một đồ án TKĐT nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo và cộng đồng.

KTS Lê Văn Năm (nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM)
Về tiến độ, sở đã chỉ đạo các bộ phận tiến hành khẩn trương việc nghiên cứu và lập thiết kế đô thị cho ba tuyến đường lớn. Nếu cần thiết sẽ lấy ý kiến của cộng đồng vì tuyến đại lộ Đông - Tây có một số công trình phải bảo tồn về giá trị kiến trúc. Dự kiến quý 1-2010 sẽ có thiết kế hoàn chỉnh hành lang dọc đại lộ Đông - Tây. Tuyến xa lộ Hà Nội và tuyến Bình Lợi - Tân Sơn Nhất cũng hoàn thành trong thời gian này.

* Việc thiết kế đô thị không phải là vấn đề mới mà đã đặt ra từ năm 2005 khi mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng có vẻ như sở vẫn còn lúng túng?


Cũng có phần lúng túng vì Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn chung mà đang thí điểm ở bốn tỉnh, TP trong cả nước và đến tháng 5-2010 mới hoàn thành hướng dẫn thí điểm này. Tuy nhiên, chưa có thiết kế đô thị thì không có nghĩa là người dân không được xây dựng. Các quận huyện dựa vào quy hoạch và các quy định liên quan để cấp giấy phép xây dựng cho dân vì hiện nay dọc tuyến đã có quy hoạch 1/2000, quản lý theo quy hoạch đó cũng là một bước thực thi thiết kế đô thị rồi.

* Vừa qua sở có đề xuất hạn chế xây dựng tại các tuyến đại lộ Đông - Tây, xa lộ Hà Nội và tuyến Bình Lợi - Tân Sơn Nhất. Vậy việc hạn chế xây dựng sẽ bắt đầu khi nào và thời gian hạn chế trong bao lâu?

Hạn chế ở đây phải hiểu mục tiêu là mình muốn xây dựng những tuyến đường lớn, đường mới của TP thành những trục đường kiểu mẫu, có những hình thức quản lý kiến trúc hài hòa. Hiện nay mình chưa có mẫu triển khai của Bộ Xây dựng nên phải có quá trình. Làm thiết kế đô thị phải có thời gian, phải có đánh giá tương đối kỹ.

Hạn chế xây dựng có nhiều bước, sau khi các quận huyện xác định những khu vực có thể phát triển nhà liên kề thì chỉ cần áp dụng theo quy định của TP về thiết kế nhà liên kế để quản lý và cấp phép xây dựng. Phần lớn những khu vực dân cư hiện hữu đều được phát triển theo kết cấu nhà liên kế trên. Chỉ xem xét cẩn trọng, hạn chế ở những khu vực có khả năng đánh giá, triển khai những cụm công trình, dự án lớn để tạo bộ mặt kiến trúc, chức năng cho phù hợp. Những khu vực này khi chưa có thiết kế rõ ràng thì có thể cho người dân xây dựng tạm, Nhà nước sẽ nhanh chóng lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho phù hợp với quy hoạch chung.

* Sắp tới TP có rất nhiều tuyến đường mở rộng, các ô phố cần chỉnh trang, Sở Quy hoạch - kiến trúc có tính đến chuyện thiết kế đô thị cho các dự án này?

Do nhu cầu quản lý nên chúng ta nghiên cứu trước ba tuyến đường lớn trên, còn sau đó tùy theo lực lượng, khả năng của từng địa phương sẽ xem xét theo trường hợp. Khó nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất của loại hình này nên sở vừa làm vừa nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm.

Phải lập ngay thiết kế đô thị

Tôi nghĩ đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam đủ sức để lập thiết kế đô thị. Tuy nhiên, khó là chỗ đưa bản vẽ thiết kế này áp dụng vào thực tế đời sống. Khi làm thiết kế đô thị phải giải quyết hài hòa mối quan hệ ba bên là người lập thiết kế, cộng đồng và nhà quản lý. Nếu được cộng đồng (công dân và doanh nghiệp) đồng thuận mới có khả năng thực hiện được, còn không thì chỉ có vẽ treo chơi thôi. Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là thiết kế đô thị phải mang tính khả thi, có hiệu quả về xã hội, kinh tế...

Muốn được cộng đồng đồng thuận thì phải cho dân thấy họ được hưởng lợi từ những thay đổi theo thiết kế đô thị đó. Vì vậy, trong chương trình thiết kế đô thị phải chú ý đến yếu tố tái định cư cho người dân. Khi làm một trục đường mới thì chính quyền nên có kế hoạch chỉnh trang hai bên đường thông qua thiết kế đô thị. Phải xây dựng điều lệ quản lý cho khu dân cư, quy định chặt chẽ tầng cao, kiến trúc.

Quy định phải ra đời cùng với quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đó để kịp thời ứng dụng ngay khi người dân xây sửa nhà cửa. Nếu Nhà nước xây dựng điều lệ không kịp thì phải chấp nhận hiện trạng và khi cần thiết phải bồi thường cho dân. Ví dụ như hiện nay TP.HCM đang tính toán mở các tuyến metro thì phải tính ngay đến chuyện làm thiết kế đô thị cho các điểm nhà ga, là đầu mối giao thông cho một vùng. Người dân sẽ tập trung sinh sống quanh các nhà ga (đầu mối giao thông) này để thuận tiện giao thông, kéo theo công trình khác phục vụ dân cư về thương mại, dịch vụ cũng sẽ “mọc” lên quanh những nhà ga. Như vậy phải lập thiết kế đô thị ngay để khai thác giá trị của nó.

KTS Khương Văn Mười


>>“Nghệ thuật kỳ dị”

>>Bộ mặt đô thị TP.HCM ngày càng xấu


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO