Top

Tranh chấp chung cư: "Già néo đứt dây”

Cập nhật 14/05/2014 11:54

Đây là câu châm ngôn nhắc nhở trong cuộc sống, nếu không biết dừng đúng lúc, tình huống đáng tiếc, không thể kiểm soát có thể xảy ra và dẫn đến hỏng việc.


Trong các cuộc tranh chấp, nhất là tranh chấp chung cư, có lẽ các bên đều không muốn xảy ra tình huống đáng tiếc, nhưng  trên thực tế, nhiều vụ tranh chấp vẫn bị đẩy đi quá xa.

Thị trường chung cư Hà Nội trong những năm qua liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà. Thường trong các vụ tranh chấp, phần yếu thế luôn thuộc về phía cư dân và họ thường được ví như những người cầm dao đằng... lưỡi. Nhưng có phải lúc nào “kẻ yếu” cũng đáng thương, cần được bảo vệ?

Từng tham gia giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp chung cư, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự tiết lộ, trong các tranh chấp chung cư, căng thẳng khó giải quyết nhiều khi lại xuất phát từ chính động cơ của một số cá nhân có vai trò trong cộng đồng dân cư.

Luật sư Hưng lấy ví dụ, tranh chấp tại Chung cư Keangnam phức tạp kéo dài không phải vì chủ đầu tư không nhượng bộ, tranh chấp không có hướng giải quyết, mà chính một số thành viên ban đại diện đẩy căng thẳng lên cao vì muốn đưa đơn vị quản lý của người nhà vào tiếp quản quyền quản lý chung cư này.

Không chỉ ở Keangnam, tại nhiều chung cư khác, những cuộc đấu tranh không có điểm dừng của cư dân cũng đẩy cuộc tranh chấp đến độ ‘già néo đứt dây’.

Mới đây, thị trường lại rộ lên thông tin về tranh chấp quyền quản lý và phần sở hữu chung, riêng tại Chung cư D11 phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giữa chủ đầu tư là CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) và Ban Quản trị tòa nhà.

Theo Hanco 3, chủ đầu tư đã chấp nhận bàn giao quyền quản lý chung cư cho Ban Quản trị và yêu cầu Ban Quản trị phải trả số tiền phí đã thu từ cư dân để đơn vị quản lý có thể trả lương nhân công và trả phí dịch vụ cho đối tác cung cấp dịch vụ, nhằm đảm bảo tòa nhà được vận hành bình thường, nhưng đại diện Ban Quản trị không thực hiện. Lý lẽ của Ban Quản trị đưa ra là muốn quản lý toàn bộ chung cư, trong khi phía Hanco 3 lại cho rằng, tầng hầm, sảnh và tầng 14 thuộc sở hữu riêng của công ty này.

Tranh chấp giữa 2 bên căng thẳng thêm khi Ban Quản trị thuê đơn vị quản lý mới và tranh giành quyền quản lý tòa nhà với đơn vị quản lý cũ của chủ đầu tư, thậm chí xô xát đã xảy ra.

Đúng sai của các bên chưa thể kết luận, nhưng việc các bên chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa thống nhất được phần sở hữu chung, riêng, mà Ban Quản trị đã thuê đơn vị quản lý mới, trong khi Ban Quản trị chưa chính thức được chính quyền địa phương công nhận chỉ khiến tình hình thêm phức tạp.

Mặc dù căng thẳng tại tòa nhà này hiện đã dịu xuống, nhưng với việc có tới 2 lực lượng quản lý tại tầng 1 tòa nhà là chưa có tiền lệ, có thể khiến tranh chấp bùng phát bất cứ lúc nào, khi đó phần thiệt thòi chính là phần đông cư dân đang sống tại tòa nhà này.

Các cuộc tranh chấp thường xuất phát từ lợi ích, lòng tham, thậm chí là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, vì vậy, nếu các bên không chấp nhận nhường nhau vì lợi ích chung, kéo căng sợi dây tranh chấp, thì trước sau sợi dây này cũng sẽ đứt, khi đó, không có ai, từ Ban Quản trị, đơn vị quản lý, chủ đầu tư và cả những cư dân đang sống tại tòa nhà được lợi.

Trước những tranh chấp chung cư kéo dài, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và trật tự, an ninh xã hội, trong 2 năm qua, Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội đã ban hành một số chính sách, hướng dẫn nhằm cụ thể hóa phần sở hữu chung, riêng trong nhà chung cư, cũng như việc minh bạch hóa các loại phí dịch vụ để hạn chế các tranh chấp chung cư. Đáng tiếc, các tranh chấp chung cư vẫn cứ diễn ra.

Qua vụ tranh chấp tại tòa nhà D11 phường Dịch Vọng cho thấy, cơ quản quản lý vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, đô thị văn minh.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán