Top

Trắc trở nhà ở xã hội-Cơ chế “lỗi nhịp” với thực tế

Cập nhật 13/11/2009 08:35

Từ nhiều năm nay, chuyện nhà ở dành cho tầng lớp có thu nhập thấp, trong đó có nhà ở xã hội (NƠXH) luôn là một vấn đề vô cùng nan giải đối với nước ta, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Trong lúc nhu cầu mỗi ngày mỗi tăng thì số lượng nhà ở loại này hầu như không tăng được bao nhiêu. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tựu trung lại vẫn là do chúng ta chưa tạo ra được một thị trường NƠXH đúng nghĩa.

“Nhỏ giọt” ra chỗ ở!

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay tổng số lao động làm việc trong khu vực quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang là 130.000 người, trong đó có khoảng 20.000 người gặp khó khăn về nhà ở và có nhu cầu nhà ở mới. Thế nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, toàn TP mới xây dựng xong 1.032 căn (tương đương hơn 993.000m2 sàn), đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 11.400 người (tính theo tiêu chuẩn 14m2/người). Số NƠXH trên thuộc Chương trình hành động thực hiện Chương trình Nhà ở giai đoạn 2006-2010 của TPHCM.

Không những vậy, so với mục tiêu đến 2010 của chương trình trên (xây dựng 25.000 căn hộ NƠXH) thì khả năng “cung” khá nhỏ bé. Tới nay, sau hơn 3 năm triển khai, số căn hộ mới đạt 6.653 căn. Dự kiến, đến hết năm 2010 TP sẽ hoàn thành tiếp 10 dự án và có thêm 840 căn hộ và 1.511 nền đất, tương đương 394.866m2 sàn. Đó là những mục tiêu và “thành quả” đạt được của TPHCM trước khi có Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Nhà ở. Còn sau nghị định trên, TP đã xác định được 41 khu đất với tổng diện tích 126 ha để xây dựng NƠXH. Đồng thời, UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 25 dự án NƠXH với 29 ha đất và dự kiến cung cấp 6.688 căn nhà. Tuy nhiên, đến giờ mới có 3 dự án khởi công (của hai tổng công ty thuộc UBND TP) và có thể hoàn thành vào cuối năm 2010 với 352 căn hộ.
 

Một góc khu chung cư giá rẻ Ehome Đông Sài Gòn 1 tại quận 9. Ảnh: Đức Trí.


Còn tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân có chỗ ở ổn định, 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm nhưng các phòn
Trên bình diện toàn quốc, theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1/3 công chức cả nước (tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn) chưa có chỗ ở ổn định (phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm).g trọ thuê của nhà dân hầu hết rất chật hẹp, điều kiện vệ sinh và môi trường không đảm bảo.

Bên cạnh đó, một tầng lớp khác cũng rất bức xúc về chỗ ở là sinh viên. TPHCM hiện có 70 trường đại học và cao đẳng với trên 328.000 sinh viên đang học tập, trong đó có đến 230.000 sinh viên có nhu cầu về chỗ ở. Tuy nhiên, các trường mới có 64 khu ký túc xá và chỉ đáp ứng được khoảng 40.000 chỗ, còn lại sinh viên vẫn phải đi thuê bên ngoài. Thế nhưng, đến năm 2011 TP cũng mới có thể tạo thêm được khoảng 70.000 chỗ ở cho sinh viên. Còn hiện tại cả nước thì có gần 400 trường đại học - cao đẳng và số lượng ký túc xá mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.

“Tắc nghẽn” ở cơ chế

Theo hầu hết các chuyên gia cũng như doanh nghiệp (DN) bất động sản, chương trình NƠXH được Luật Nhà ở đề ra từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được như mong muốn là do chính sách còn nhiều chỗ “bắt bí”. Khung giá thuê, thuê mua NƠXH hiện được quy định quá thấp, mang nặng tính bao cấp nên DN rất dễ bị thua lỗ nếu không thể cho thuê hoặc bán hết nhà theo kế hoạch dự kiến. Do vậy, nếu triển khai thì chỉ có Nhà nước mới có thể xây NƠXH để cho thuê.

Riêng xây NƠXH để bán trả góp thì các DN chưa mặn mà vì mức ưu đãi và hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, với NƠXH, thời gian thu hồi vốn kéo dài hơn 20 năm cũng là một yếu tố làm nản lòng các DN.

Trong lúc đó, DN lại gặp rất nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất thấp của hệ thống ngân hàng. Eo hẹp về nguồn vốn cũng là nhận định của Sở Xây dựng TPHCM. Ngoài ra, quỹ đất cũng là điều ngán ngại đối với DN. Ngay cả TPHCM cũng chưa xác định quy hoạch quỹ đất dành cho NƠXH; các quận huyện cũng chưa chủ động tạo quỹ đất cũng như lên kế hoạch xây dựng NƠXH để giải quyết nhu cầu trên địa bàn.

Cùng với đó, theo Luật Nhà ở, NƠXH có diện tích từ 30-60m2/căn và được xây dựng cao tối đa 5-6 tầng. Do cái “vòng kim cô” nghiệt ngã này mà cả mấy năm sau khi Thủ tướng Chính phủ cho TPHCM (cùng thủ đô Hà Nội và tỉnh Bình Dương) thí điểm xây dựng NƠXH thì tại TPHCM không có DN nào hứng thú tham gia.
 

 

 

TPHCM còn thiếu nhiều nhà ở xã hội cho người nghèo. Ảnh: Huy Anh.


Kề bên TPHCM, một “điểm nóng” về NƠXH nữa là tỉnh Đồng Nai cũng lâm cảnh “quẫn bách”. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các chương trình nhà ở trước đây nhưng hiện tại Đồng Nai khá “khổ sở” với NƠXH. Cả năm nay Đồng Nai cứ loay hoay với thủ tục xin Bộ Xây dựng cho cơ chế thoáng đối với hai dự án NƠXH đầu tiên của mình (tại thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch). UBND tỉnh thì muốn dự án tại Nhơn Trạch được thực hiện theo chính sách tại Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng Bộ Xây dựng lại chỉ đồng ý nếu dự án này được xã hội hóa đầu tư. Còn dự án tại Biên Hòa, do ở nội thị nên tỉnh muốn công trình được xây cao 11 tầng nhưng bộ lại chưa có ý kiến!

Ngày 20-4-2009 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP trong đó bãi bỏ việc khống chế số tầng cao đối với NƠXH. Ngoài ra, NQ này cũng đã mở ra một số “cửa sổ” mới cho các dự án NƠXH như được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong dự án; được áp dụng mức thuế ưu đãi thuế giá trị gia tăng chỉ còn 0%; được miễn thuế thu nhập DN; được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; được vay vốn ưu đãi từ nhiều nguồn... Tuy nhiên các DN cho rằng các cơ chế mới này vẫn chưa đủ “thoáng” để thu hút DN “nhập cuộc”.
 

267 dự án nhà ở sinh viên giai đoạn 2009 - 2010

Ngày 11-11, Bộ Xây dựng cho biết đã có 267 dự án nhà ở cho sinh viên giai đoạn năm 2009 - 2010 được đăng ký với tổng mức đầu tư 26.045 tỷ đồng, xây dựng hơn 4,9 triệu m2 sàn giải quyết chỗ ở cho hơn 800.000 sinh viên, học sinh.

Có 21 địa phương gửi danh mục đăng ký 110 dự án nhà ở cho công nhân giai đoạn 2009 - 2015, với quy mô hơn 6 triệu m2 sàn, tổng mức đầu tư 25.500 tỷ đồng. Với nhà ở cho người thu nhập thấp, giai đoạn 2009 - 2015 đã có 189 dự án đăng ký, quy mô hơn 7,1 triệu m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho khoảng 700.000 người.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng