Cơn sốt giá nhà, đất tại Hà Nội hiện không chỉ diễn ra tại các khu đô thị mới như Dương Nội hay khu vực Hà Đông, Xa La, An Khánh mà đã lan ra các khu vực ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì …
Tại khu vực Lĩnh Nam, đất trong ngõ rộng khoảng 1,8 m hiện đã lên tới 17 - 18 triệu đồng/m2, trong khi đó, hồi đầu năm dưới 14 triệu đồng/m2. Đất mặt đường liên thôn tại đây cũng tăng lên chóng mặt. "Thời điểm này cũng phải trên 30 triệu đồng/m2, nhưng cũng rất ít người rao bán" - một cò nhà đất cho hay.
Theo giới kinh doanh, tháng vừa rồi là tháng mà giá nhà đất Hà Nội tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, cơn sốt đất phía Tây thành phố chạy dọc theo tuyến đường Láng - Hòa Lạc, đất ven cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân với mức tăng 20-30% càng khiến thị trường nhà đất sôi sục.
Thị trường càng nóng, khách hàng có nhu cầu thực càng khó tiếp cận với giá gốc niêm yết từ chủ đầu tư mà phải mua qua đối tượng trung gian với giá chênh cắt cổ. Chung cư khu Xa La giá gốc từ 13,5 triệu mỗi m2 chênh khoảng 140 triệu mỗi căn.
Dự án Mê Linh Vĩnh Phúc giá gốc 6,5 triệu giờ đã lên tới gần 10 triệu mỗi m2. Chung cư Văn Khê giá gốc 14,5 triệu mỗi m2 nay chênh lệch đến 100 triệu mỗi căn, tòa nhà Hemisco giá gốc 13,5 - 14,5 lên đến 18,19 triệu mỗi m2.
Nhìn chung, giá BĐS tăng ở hầu hết các khu vực, nhất là tại các khu chung cư, các dự án đô thị mới, nhiều nơi tăng 20% thậm chí cá biệt có những dự án mới giá tăng đến 30 - 40% so với cách đây 1 tháng.
Đánh giá về vấn đề này, ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, có một thực tế là trong những năm gần đây, giá bất động sản, đặc biệt là mảng nhà ở tại Hà Nội hầu như tăng liên tục khiến các nhà đầu tư luôn tin tưởng vào khả năng sinh lời của thị trường này. Sự khan khiếm nhà ở cũng là nguyên nhân bất động sản ngày một tăng cao.
Hiện đang có những phân tích khác nhau về bong bóng BĐS ở Việt Nam do những tín hiệu trái chiều ở hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM nên mọi cảnh báo được đưa ra một cách cẩn trọng.
Có người cho rằng, những dấu hiệu đáng ngại đã bắt đầu xuất hiện, khi mà ở một số thị trường, bong bóng tài sản, chứng khoán, nhà đất đã tăng lại. Trong khi đó, có chuyên gia phân tích, cung nhà ở gắn liền với tín dụng BĐS, vì thế khó có thể có một cuộc bùng nổ nếu giá BĐS ở TP.HCM vẫn giảm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá BĐS đang tăng cao, vượt quá giá trị thực, mà phần lớn là do giới đầu cơ. Đây là điều cần được cảnh báo. Đại diện Công ty CP BĐS HANHUD thì cẩn trọng hơn và cho rằng, dù có bong bóng hay không, thì việc tăng trưởng nóng trên thị trường BĐS Hà Nội, cũng như thị trường chứng khoán là điều rất cần được lưu tâm.
"Các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng hơn nếu quyết định "rót vốn" vào một dự án nào đó. Tốt nhất nên chọn những dự án có tính khả thi cao. Bởi cẩn trọng sẽ không bào giờ thừa trong kinh doanh" - ông này nói.
Phó giám đốc một sàn giao dịch BĐS (xin được giấu tên) thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chính làm cho giá nhà, đất tại Hà Nội tăng vọt là vì thông tin các dự án không được công khai và có sự móc nối giữa chủ đầu tư với trung gian trong việc mua bán. Thông tin không minh bạch dẫn đến nguồn tin về dự án thường bị ém.
Chỉ những người thạo tin trong nghề có mối quan hệ rộng mới tiếp cận được giá gốc chủ đầu tư đưa ra. Bản thân các chủ đầu tư cũng muốn bán buôn cho những đối tác thân quen để lấy mối quan hệ và tiện cho việc xoay vòng vốn bởi những khách hàng này có khả năng mua số lượng lớn.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS Hà Nội vẫn thiếu cơ chế rõ ràng và chỉ có thời gian mới trả lời được khi nào BĐS về giá trị thực của nó. Và, không ít người dự báo, trong thời gian ngắn nữa thôi, giá BĐS tại Hà Nội sẽ chững lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: