Qua báo cáo của các quận huyện ở TPHCM, trong tổng số 25.579 căn hộ, nền đất tái định cư (TĐC), đến nay đã đưa vào sử dụng và bố trí 19.872 căn hộ (chiếm 78%), còn trống 5.705 căn hộ và nền đất chưa bố trí. Đó là kết quả sơ bộ của 4 tổ chuyên viên thuộc đoàn công tác liên ngành kiểm tra các khu TĐC trên địa bàn TP từ năm 1995 đến cuối năm 2009.
Chung cư tái định cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh). Ảnh: Việt Dũng |
Ngắn hạn: thiếu, dài hạn: thừa
Theo đoàn công tác liên ngành, hiện có tình trạng thiếu quỹ nhà ở địa phương này, dư ở địa phương khác nhưng không thể điều chuyển do khác biệt về vị trí và giá thành căn hộ, nền đất. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, tình hình mua bán, sang nhượng suất TĐC trên địa bàn TP diễn biến khá phức tạp dưới nhiều hình thức.
Hiện chỉ mới có 16 quận - huyện đã thống kê được 114 dự án TĐC với 2.644 trường hợp căn hộ chung cư, nền đất có dấu hiệu mua bán suất TĐC, chiếm 17% so với 15.631 căn hộ, nền đất đã được bố trí.
Trong đó, 5 quận - huyện có tỷ lệ bán suất TĐC lớn là: quận 2 với 824 trường hợp, chiếm 29% trong tổng số 2.854 trường hợp được bố trí TĐC; quận 8 với 187/785 trường hợp, chiếm 23%; quận 11 với 466/1.604 trường hợp, chiếm 28%; quận Bình Thạnh với 682/2.570 trường hợp, chiếm 26%; huyện Bình Chánh với 115/499 trường hợp, chiếm 23%.
Như vậy, 5 quận, huyện nêu trên chiếm đến 90% số trường hợp sang nhượng suất TĐC trên địa bàn TP, các quận còn lại chỉ chiếm khoảng 10%. Các quận - huyện khác còn báo cáo dè dặt, chưa dám khẳng định tình hình sang nhượng mà chỉ thống kê các số liệu có sự khác biệt về người thực tế sử dụng với người được bố trí TĐC. Cụ thể, các quận 1, 7, 9, Bình Tân và huyện Nhà Bè chưa báo cáo số liệu sang nhượng do mới bán giấy tay, chưa sang nhượng hoặc không thống kê được…
Theo nhận định của đoàn công tác liên ngành, việc chuyển nhượng suất TĐC này đã tác động trực tiếp lên chính sách TĐC đang thực hiện. Một số đối tượng thu gom suất TĐC được hưởng lợi, trong khi người dân TĐC lại không được hưởng từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do TP thiếu quỹ nhà TĐC nên người dân chỉ được đăng ký suất TĐC, nhiều trường hợp có nhu cầu sinh kế hoặc cần tiền tìm nơi ở khác nên đã bán suất TĐC.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là do giá căn hộ, nền đất thực tế được chuyển nhượng với giá cao hơn so với giá bán TĐC nên người dân đã bán đi để hưởng chênh lệch. Mặt khác, với tâm lý còn e ngại khi ở chung cư (do không phù hợp với tập quán sinh hoạt của đa số người dân lao động) nên đã bán suất TĐC để tìm nơi ở khác. Một số dự án TĐC không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng là nguyên nhân khiến người dân ngán ngại, bán suất TĐC…
Theo đánh giá của đoàn công tác sau khi kiểm tra tình hình TĐC trên địa bàn TP thời gian qua, việc dự báo nhu cầu quỹ nhà TĐC trong những năm tiếp theo, đa số các quận - huyện chỉ liệt kê danh mục, chưa xác định cụ thể thời gian cần quỹ nhà theo từng năm, kế hoạch thực hiện, triển khai công tác điều tra khảo sát hiện trạng, lập dự án bồi thường, kêu gọi đầu tư…
Do đó, khi triển khai đi vào cụ thể thì quỹ nhà TĐC luôn thiếu cục bộ trong thời gian ngắn và dư trong thời gian dài. Danh mục dự án thì có đủ, thậm chí dư quỹ nhà nhưng tiến độ triển khai không theo kịp tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
5 năm: cần 35.000 - 40.000 căn hộ TĐC
Từ năm 1995 cuối năm 2009, toàn TP có 147 dự án TĐC với 25.579 căn hộ và nền đất. Trong đó, 77 dự án TP đầu tư xây dựng và 70 dự án còn lại là mua lại từ các chủ đầu tư khác với hơn 10.500 căn, trị giá hơn 4.500 tỷ đồng. Con số này chiếm đến 63% tổng giá trị các dự án TĐC nói trên.
Tuy nhiên, trước đây TP cho phép tạm ứng vốn ngân sách để mua quỹ nhà TĐC nhưng từ tháng 3-2009 TP đã ngưng thực hiện chủ trương này. Thay vào đó phải sử dụng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án để mua nhà TĐC.
Điều này đã ảnh hưởng đến việc mua nhà, nền đất TĐC. Ngoài ra hàng loạt dự án có chủ trương xây dựng nhà TĐC cũng bị ngưng trệ do thiếu vốn. Trong trường hợp TP chưa giải quyết được nguồn vốn ngân sách tạm ứng thanh toán mua quỹ nhà cho chương trình 30.000 căn hộ chung cư TĐC thì quỹ nhà sẽ thiếu so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án trọng điểm và phát sinh khiếu kiện kéo dài.
Do đó, các quận - huyện đã kiến nghị cho tạm ứng vốn từ ngân sách hoặc trích từ nguồn thu bán nhà, đất TĐC để tiếp tục đầu tư và xây dựng quỹ nhà vì chủ trương đã có, nếu không xúc tiến tạm ứng và đặt cọc thì các chủ đầu tư sẽ bán ra ngoài, kế hoạch bố trí TĐC cho các dự án trọng điểm sẽ bị động.
Qua thống kê ban đầu của đoàn công tác liên ngành, đến năm 2015, TP thực hiện 498 dự án với số hộ dân bị ảnh hưởng gần 120.000 hộ. Trong đó có 191 dự án đang triển khai dở dang trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang với số hộ dân có nhu cầu TĐC là 38.246 hộ, 307 dự án mới (quận 2, 3, 9 chưa xác định) với tổng số hộ bị ảnh hưởng ước tính là 77.706 hộ và có hơn một nửa số hộ này có nhu cầu được bố trí TĐC.
Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến có hơn 83.000 hộ có nhu cầu TĐC.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án thường gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án, nguồn vốn đầu tư… do đó, trong kế hoạch 5 năm tới, nhu cầu TĐC thực sự vào khoảng 35.000 - 40.000 căn hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: