Tồn kho lớn thì thường nợ nần nhiều.
Hàng tồn kho “chất đống” đang là vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp bất động sản khi mà thị trường vẫn đang ế ẩm. Tồn kho càng lâu thì gánh nặng nợ nần với chủ đầu tư càng lớn do phần lớn chi phí đầu tư được tài trợ bằng vốn vay.
Mới đây, chúng tôi đã tiến hành khảo sát số dư hàng tồn kho của một số doanh nghiệp địa ốc lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, BRVT...
Kết quả cho thấy có khá nhiều doanh nghiệp tồn kho ở mức hàng nghìn tỷ đồng.
Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản bao gồm các chi phí mà doanh nghiệp chi ra cho các dự án bất động sản dùng để bán như giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quỹ đất đã được bồi thường, chi phí san lấp mặt bằng và các chi phí đầu tư xây dựng phát sinh.
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, có 13 doanh nghiệp bất động sản tại khu vực phía Nam có giá trị tồn kho trên 1.000 tỷ tính đến 30/6/2013. Đây mới chỉ tính đến các doanh nghiệp đang niêm yết.
Tổng giá trị tồn kho của 13 doanh nghiệp trên lên đến gần 34 nghìn tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD).
Dẫn đầu là Phát Đạt và Quốc Cường Gia Lai (QCGL với hơn 4 nghìn tỷ đồng mỗi công ty. Giá trị tồn kho của 2 doanh nghiệp này chủ yếu là tại các dự án đang triển khai tại Quận 7: Phát Đạt có
dự án The EverRich 2 và
The EverRich 3 còn QCGL có dự án Phước Kiển.
Dự án The EverRich 3 chính là một trong 2 dự án bất động sản cao cấp mới đây đã công bố giảm một nửa giá bán (cùng với Sunrise City của Novaland).
Một điểm đáng nói nữa đối với Phát Đạt là hàng tồn kho đang chiếm đến 90% tổng tài sản; đồng nghĩa Phát Đạt đang dồn hầu hết tài sản vào “những đứa con dang dở” này.
Tại nhiều công ty khác như Nam Long, Năm Bảy Bảy (NBB), Intresco và Khang Điền thì tồn kho cũng lên đến trên 70% tài sản. Nhiều dự án lớn dù mới chỉ trong giai đoạn giải tỏa đền bù và xây cơ sở hạ tầng nhưng đã ngốn tới hàng nghìn tỷ đồng cho các chi phí liên quan.
Một nguyên nhân dẫn đến giá trị tồn kho lớn là do thời thị trường còn nóng, các doanh nghiệp thường vung tiền vào quá nhiều dự án cùng lúc, khiến dự án nào giờ cũng thành dở dang.
Hàng tồn kho thì vẫn cứ ở đó nhưng chi phí lãi vay thì không ngừng tăng lên, áp lực trả nợ cũng cận kề. Nhiều công ty hiện vẫn cầm cự được do các khoản vay lớn chủ yếu là khoản vay có kỳ hạn dài, vài ba năm nữa mới đáo hạn.
Nhưng nếu thị trường tiếp tục ảm đạm, dòng tiền thu về eo hẹp thì trong dài hạn, việc trả nợ sẽ trở thành vấn đề sống còn.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: