Mô hình tiết kiệm nhà ở đã rất thành công tại nhiều quốc gia đặc biệt là Đức với hơn 80 năm triển khai. Gần đây, việc Ngân hàng Bausparkasse Schwabisch Hall (BSH) của Đức, ngân hàng tiết kiệm nhà ở lớn nhất thế giới sang Việt Nam giới thiệu mô hình này đang trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn kinh tế.
Tiết kiệm nhà ở liệu sẽ là mỏ vàng cho ngân hàng Đức ở Việt Nam?
|
Đồng thời, dư luận cũng dấy lên nghi vấn về việc: Liệu đại gia tài chính này có sớm đặt chân vào Việt Nam để kinh doanh tiết kiệm nhà ở đầu tiên hay không?
BizLIVE đã có cuộc trao đổi với 2 vị đại diện của Ngân hàng Schwabisch Hall, ông Michael Dorner - Tổng giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài và TS. Volker Kreuziger, Giám đốc Bộ phận luật, thành viên Hội đồng quản trị.
*
Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới mô hình tiết kiệm nhà ở của BSH, ngoài việc giới thiệu tại Việt Nam, BSH có mục tiêu sẽ sớm kinh doanh mô hình này tại Việt Nam?
Ông Michael Dorner: BSH đang làm các hoạt động để giới thiệu mô hình tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam theo lời mời của Bộ Xây dựng. Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra một số tư vấn mang tính tham khảo để các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Luật Nhà ở mới.
Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng để kinh doanh mô hình này. Tuy nhiên, nếu muốn triển khai ở Việt Nam cần thiết phải có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ.
*
Cụ thể, BSH cần Chính phủ hỗ trợ gì trước khi đưa mô hình này vào Việt Nam?
TS. Volker Kreuziger: Hiện tại, BSH đã có một khởi đầu tốt khi Bộ Xây dựng đã đưa mô hình tiết kiệm nhà ở vào trong dự thảo Luật nhà ở mới trình Chính phủ thông qua.
Hầu hết các nước mà BSH đã triển khai kinh doanh như: CH Séc, CH Slovakia, Romania, Hungary đều được Chính phủ hỗ trợ ban hành một Luật mới.
Chỉ riêng ở Trung Quốc là chỉ có một Nghị định. Tuy nhiên, Nghị định của Trung Quốc cũng quy định rõ và có tính pháp lý đối với tất cả các vùng lãnh thổ của nước này.
*
Trong trường hợp Luật sớm cho phép, cần bao nhiêu thời gian để hình thành nên một BSH chuẩn Đức ở Việt Nam?
TS. Volker Kreuziger: Với kinh nghiệm và tiềm lực hiện tại của BSH, thời gian để hình thành một ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ mất ít nhất 1 năm.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng tôi đã nhìn thấy trước xu hướng và đã có sự chuẩn bị nhất định để tạo tiền đề trước khi Luật ban hành.
Hiện BSH cũng đã có những tiếp xúc ban đầu với một số ngân hàng lớn tại Việt Nam về ý tưởng này, trước mắt có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên doanh.
*
Đối tác của BSH về tiết kiệm nhà ở phải đáp ứng được những tiêu chí cụ thể nào?
TS. Volker Kreuziger: BSH chỉ ưu tiên hợp tác với những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam, không phân biệt giữa ngân hàng thương mại hay thuộc sở hữu của nhà nước.
Bởi lẽ, nếu quy mô lớn nhất họ sẽ có lượng khách hàng đông đảo, có uy tín lớn đối với hoạt động huy động tiết kiệm và cho vay sau này.
*
BSH ở Việt Nam sẽ có quy mô hoạt động ra sao, thưa ông?
Ông Michael Dorner: Do đặc thù của mô hình tiết kiệm nhà ở nên chúng tôi chỉ cần bắt đầu với số vốn pháp định thấp nhất theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Thậm chí, BSH còn đang đề nghị với Chính phủ một mức vốn ban đầu thấp hơn quy định hiện hành.
Bởi lẽ, bản chất của ngân hàng tiết kiệm nhà ở là huy động tiền tiết kiệm từ người dân trước rồi mới cho vay, nên không cần có quá nhiều vốn.
Đồng thời, đây là dạng quỹ đóng nên chúng tôi chỉ tập trung vào hoạt động cho vay mua nhà trên chính số tiền gửi của mọi người. Việc không đầu tư tràn lan sẽ không gây lãng phí nguồn vốn đồng thời tăng tính chuyên nghiệp, hướng nguồn vốn vay tập trung hơn.
*
Vậy còn đối tượng tiếp cận chính và thị trường mục tiêu của BSH ở Việt Nam?
Ông Michael Dorner: Thị trường mục tiêu chính là đối tượng có thu nhập trung bình trở xuống hiện đang chiếm số lượng đông nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng thì chỉ có khoảng từ 2 - 5% số người có thể mua được nhà ngay. Còn việc hỗ trợ nhóm nghèo là công việc của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, BSH sẽ không tập trung vào những nhóm đối tượng này.
*
Mối quan tâm lớn nhất của đa số người dân Việt Nam chính là lãi suất, ông cho biết con số cụ thể ở Đức và mức lãi suất dự kiến sẽ áp dụng đối với thị trường Việt Nam?
TS. Volker Kreuziger: Với mô hình tiết kiệm nhà ở, tại Đức, thông thường mỗi người sẽ gửi tiết kiệm hàng tháng ở mức năm phần nghìn (5/oo) tổng giá trị căn nhà muốn mua. Lãi suất gửi tiết khoảng từ 0,25 – 0,5%, lãi suất vay ra sẽ vào khoảng 1,7 – 2,5% nếu cả 2 hoạt động này ở cùng 1 ngân hàng. Trường hợp chỉ vay không gửi tiết kiệm, lãi vay sẽ tăng lên mức 3-4%
Ông Michael Dorner: Chưa có tính toán cụ thể nhưng chúng tôi đang dự kiến nếu triển khai ở Việt Nam, lãi suất gửi tiết kiệm sẽ vào khoảng 3% và lãi suất vay ra khoảng 6%. Nhưng đây cũng chỉ là con số tính toán ban đầu mang tính tham khảo do chưa có hành lang pháp lý cụ thể.
Tuy nhiên, chúng tôi cam kết, mức lãi suất vay ra bao giờ cũng thấp hơn mặt bằng chung lãi suất của thị trường. Ở Đức là vậy và ở Việt Nam chắc chắn cũng sẽ như thế.
Đây là nguyên tắc cơ bản của mô hình tiết kiệm nhà ở và cũng là nguyên tắc hoạt động của BSH trong suốt 80 năm nay. Ở bất kỳ quốc gia nào, nguyên tắc này của BSH cũng sẽ không bị phá vỡ.
*
Lãi suất huy động dự kiến mà BSH đưa ra là khá thấp so với mặt bằng chung của hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam. Làm sao để BSH có thể huy động được người dân tham gia gửi tiết kiệm nhà ở?
Ông Michael Dorner: Cái đặc biệt nhất của mô hình này và cũng là yếu tố then chốt trong việc kinh doanh thành công tại Đức và các nước khác chính là: Ngay khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm, người đó đã biết 10 năm sau thậm chí 15 năm sau, mức lãi suất phải chịu khi họ vay tiền là bao nhiêu.
Đồng thời, mức lãi suất này sẽ duy trì ổn định không thay đổi trong suốt quá trình đó. Ở Đức điều này đã tạo nên tính hấp dẫn và theo tôi nó còn đặc biệt hấp dẫn hơn nữa đối với Việt Nam.
Bởi lẽ, giá trị đồng tiền gửi của Việt Nam sẽ khó được bảo toàn trong cả thời gian dài thậm chí còn bị mất giá trầm trọng do việc biến động lãi suất, lạm phát, khủng hoảng kinh tế…
*
Có không ít ý kiến cho rằng rào cản lãi suất chính là nguyên nhân chính khiến mô hình này khó đi vào thực tế ở Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Michael Dorner: Nếu nhìn vào ngay thời điểm gửi tiền, lãi suất huy động có thể thấp. Nhưng ngân hàng tiết kiệm nhà ở có quy định nếu lãi suất gửi tiết kiệm thấp thì lãi vay ra cũng thấp.
Hơn nữa, BSH cam kết, dù có ở mức nào thì lãi suất vay ra vẫn sẽ thấp nhất thị trường, cố định trong cả thời gian dài hàng 10 năm, 20 năm sau. Đó là sự đảm bảo khá tốt, tạo sự ổn định và sức hút lớn đối với khách hàng.
Không những thế, một lợi thế nữa của BSH chính là việc khách hàng còn được sự hỗ trợ vay vốn bổ sung từ các đối tác của BSH nhằm rút ngắn khoảng thời gian để mua được nhà.
*
BSH đã thuyết phục thành công tới 6 quốc gia trong đó có cả cường quốc như Trung Quốc. Với Chính phủ và cơ quan lập pháp của Việt Nam, ngoài những yếu tố mang tính bản chất của mô hình, lập luận của BSH sẽ là gì?
TS. Volker Kreuziger: Với các mô hình khác, Chính phủ sẽ phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng hàng loạt nhà ở xã hội hoặc cho vay toàn bộ số tiền mua nhà từ các gói cứu trợ.
Tuy nhiên, chất lượng nhà ở không đảm bảo, quá xa trung tâm, các tiện ích xã hội thiếu hoặc không có nên người dân không muốn mua.
Với ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Chính phủ chỉ cần bỏ ra một ít tài chính ban đầu bù vào lãi suất gửi tiết kiệm (đề xuất khoảng từ 1 - 2%) để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm mua nhà. Qua đó, tạo thành phong trào và khi người ta có mục đích người ta sẽ chủ động trong việc tiết kiệm thậm chí nhanh chóng nâng mức tiền gửi tiết kiệm lên cao để nhanh mua được nhà.
Ngoài ra, việc gửi tiết kiệm mua nhà còn góp phần làm giảm lạm phát, hạn chế biến động trên thị trường bất động sản tránh được sự phát triển quá nóng dẫn đến vỡ bong bóng thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Bizlive
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: