Top

Thuyền to lo gió lớn

Cập nhật 22/11/2013 15:41

Dù kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) niêm yết có quy mô lớn đã có nhiều biến chuyển tích cực, nhưng gánh nặng về tài chính vẫn chưa vơi.


Trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam những năm qua, luôn có sự xuất hiện của những cái tên quen thuộc trong nhóm ngành BĐS.

Cụ thể là ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAG), ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc - KBC) và ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt - PDR). Vậy, trong tình cảnh thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, DN của họ xoay xở ra sao?

Về phần HAG, DN này vừa trải qua đợt tái cơ cấu hoạt động đầu tư khi quyết định bán bớt 6 dự án thủy điện và một số dự án BĐS mà Công ty đang sở hữu và quyết định tập trung vào hai lĩnh vực chính là nông nghiệp và BĐS.

Điều này có thể nhận thấy qua định hướng phát triển của HAG trong giai đoạn 2013-2015. Tính đến ngày 30/9/2013, tình hình kinh doanh của HAG có nhiều chuyển biến tích cực, hàng tồn kho đã giảm từ 4.265 tỷ đồng xuống còn 3.847 tỷ tại thời điểm cuối năm ngoái.

Ngoài ra, tổng nợ (ngắn hạn và dài hạn) của DN này trong 9 tháng qua đã giảm nhẹ, từ hơn 20.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2012 còn trên 18.000 tỷ. Tuy nhiên, chỉ khoản vay dài hạn giảm, trong khi nợ ngắn hạn lại tăng. Điều đáng nói là kết thúc quý III/2013, khoản nợ và vay ngân hàng (nhóm nợ ngắn hạn) lại tăng thêm 919 tỷ đồng.

Xét về kết quả kinh doanh, trong khi có một số mảng đã bắt đầu tạo nguồn thu như đường, mủ cao su thì mảng căn hộ của HAG lại có sự sụt giảm lớn. Theo đó, trong quý III/2013, doanh thu từ bán căn hộ chỉ đạt 71 tỷ đồng, giảm hơn 30 lần so với cùng kỳ.

Đồng thời, tính từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 9/2013, phần doanh thu bán căn hộ ở vào khoảng 173 tỷ đồng, trong khi con số này của năm 2012 là 2.733 tỷ. Đồng thời, chi phí căn hộ đang xây dựng để bán cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị hàng tồn kho với hơn 2.300 tỷ đồng, chiếm 59,7%.

Dù tổng doanh thu của HAG 9 tháng đầu năm giảm, nhưng LNST của DN lại tăng trên 100% so với cùng kỳ, đạt 693 tỷ đồng. Song, cũng cần phải nói thêm là chi phí lãi vay của HAG vẫn tăng, 9 tháng chi trả 514 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 372 tỷ đồng).

Nhìn chung, đến hết quý III, tổng số tiền chi trả nợ gốc và vay của HAG ở mức trên 5.000 tỷ đồng, cao hơn con số 4.061 tỷ đồng của cùng kỳ (tiền vay ngắn và dài hạn mà HAG nhận được trong 9 tháng qua là trên 7.000 tỷ đồng).

Áp lực về lãi vay luôn là gánh nặng tài chính cho các DN trong giai đoạn kinh tế khó khăn, dù đó là DN lớn. Điển hình như KBC của doanh nhân Đặng Thành Tâm. Theo đó, ngày 4/11/2013, KBC đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động và cấn trừ công nợ.

Đến ngày 30/9/2013, tổng nợ phải trả của KBC trên 7.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2012. Trong khi nợ dài hạn giảm thì nợ ngắn hạn lại tăng mạnh, từ hơn 2.000 tỷ đồng (cuối năm 2012) lên 4.000 tỷ đồng tại ngày 30/9, tương ứng 33,5% tổng nguồn vốn.

Ngoài ra, hàng tồn kho của Công ty đến tháng 9 đạt 7.108 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị tồn kho là Khu công nghiệp - đô thị Tràng Cát (Hải Phòng), Khu công nghiệp Tân Phú Trung (TP.HCM).

Dù theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2013, KBC đạt doanh thu khoảng 340 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2012 gần 80% nhưng giá vốn bán hàng cao và chi phí lãi vay lên đến 217 tỷ đồng, nên KBC đành chấp nhận mức lỗ hơn 115 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/9, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của DN chỉ ở vào khoảng 63 tỷ đồng; giảm nhẹ so với cuối năm 2012. Tiền mặt thiếu hụt, chi phí trả lãi vay khá cao, thêm vào đó là việc tiếp cận những nguồn vốn vay mới không dễ khiến KBC chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Còn đối với PDR, tình hình cũng chưa mấy khởi sắc, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của DN 9 tháng 2013 đạt 26,7 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí lãi vay và giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp của Công ty sau 9 tháng chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ 2012.

Tuy nhiên, trong quý III/2013, doanh thu không ghi nhận từ khoản bán BĐS. Đồng thời, tính đến ngày 30/9, hàng tồn kho của DN này ở mức trên 5.000 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng tài sản. Ngoài ra, lượng tiền mặt của PDR tại thời điểm 30/9/2013 cũng vỏn vẹn 941 triệu đồng và tiền gửi ngân hàng là 8,5 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với thống kê hồi 30/6/2013.

Nhìn nhận về kết quả kinh doanh của nhóm các công ty BĐS niêm yết có quy mô lớn, một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, việc bán bớt một số dự án, thu hẹp một vài lĩnh vực đầu tư là giải pháp để những DN đầu tư dàn trải trước đây giải quyết những khó khăn tài chính.

Song, để duy trì hoạt động của công ty và giá trị cổ phiếu, DN phải tạo được nguồn thu đều đặn. Đây không phải là bài toán dễ trong thời điểm thị trường còn nhiều khó khăn. Những khó khăn chung này, theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank sẽ còn tiếp tục đến năm 2014 và chỉ thực sự khá lên vào năm 2015.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn