Top

Thủ tục hoàn trả "phần vắng" ra sao?

Cập nhật 12/01/2008 08:00

Theo quyết định của UBND TP.HCM, từ ngày 17-1 tới sẽ hoàn trả giá trị phần vắng đồng sở hữu nhà ở thuộc sở hữu tư nhân (gọi tắt là phần vắng). Nhiều bạn đọc thắc mắc đối tượng nào được hoàn trả, thủ tục hoàn trả ra sao?

Bà Ung Thị Xuân Hương - trưởng văn phòng văn bản, Sở Tư pháp TP (đơn vị tham mưu cho UBND TP về vấn đề này) - cho biết:

Có bốn trường hợp thuộc diện được hoàn trả phần vắng gồm: phần vắng đã nộp tại Ngân hàng Phát triển nhà TP, Ngân hàng Đầu tư và phát triển TP, Kho bạc Nhà nước TP theo quyết định số 230 ngày 25.4.1989, quyết định số 351 ngày 12.6.1991 của UBND TP;

phần vắng nộp tại Ngân hàng Công thương TP (sau này là Ngân hàng Công thương VN - Sở Giao dịch II) theo hướng dẫn số 843 ngày 2.7.1994 của Sở Nhà đất; phần vắng đã nộp tại Ngân hàng Công thương TP theo bản qui định thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở qui định tại quyết định 6280 ngày 26.8.1995 của UBND TP; phần vắng đã nộp tại Ngân hàng Sài Gòn Công Thương TP theo bản qui định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đô thị, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại TP.HCM qui định tại quyết định 38 ngày 19-6-2000 của UBND TP.



Bà Ung Thị Xuân Hương

* Người muốn nhận phần vắng phải làm thủ tục ra sao, thưa bà?

Người đề nghị hoàn trả phần vắng phải làm hồ sơ gồm các giấy tờ sau: đơn đề nghị hoàn trả phần vắng; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu của các loại giấy tờ sau đây: giấy tờ chứng minh về chủ sở hữu phần vắng (giấy khai sinh, di chúc, văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, trích lục bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật…), giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc đã nộp phần vắng (như giấy nộp tiền, biên lai, biên nhận…).

Trường hợp người đề nghị hoàn trả không phải là chủ sở hữu phần vắng thì phải có văn bản ủy quyền. Văn bản ủy quyền này phải có xác nhận hoặc được hợp pháp hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của VN tại nước người ủy quyền định cư, hoặc có chứng nhận của các tổ chức hành nghề công chứng tại VN. Nếu chủ sở hữu phần vắng đã chết thì người được hoàn trả là những người được thừa kế phần vắng hợp pháp.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hoàn trả phần vắng là Sở Tài chính TP. Về mẫu hồ sơ, người dân có thể lấy từ mẫu đăng trên trang công báo điện tử, nhận từ Sở Tài chính hoặc tự đánh máy theo mẫu qui định.

* Theo qui định có hai nơi hoàn trả phần vắng là các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước TP. Vậy việc giải quyết hồ sơ và thời gian giải quyết giữa hai trường hợp này có gì khác nhau không?

Về thủ tục không khác nhau. Theo qui định, thời gian giải quyết cho cả hai trường hợp tối đa không quá 16 ngày làm việc. Riêng lãi suất được tính như sau: đối với phần vắng gửi tại các ngân hàng thì được hoàn trả tiền gốc đã nộp, cộng với lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng nơi gửi tiền. Riêng phần vắng nộp tại Kho bạc Nhà nước thì tiền lãi chi từ ngân sách TP và mức lãi suất tính theo tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương.

* Thưa bà, đến thời điểm này đã xác định được bao nhiêu trường hợp được nhận lại phần vắng?

Các cơ quan chức năng chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính tổng số tiền phải trả cho các phần vắng khoảng 170 tỉ đồng.

Sau năm 1975, ở TP.HCM có nhiều căn nhà là sở hữu chung của vợ chồng hoặc nhà là di sản thừa kế của cha mẹ để lại cho nhiều anh em cùng hưởng. Về nguyên tắc, đối với nhà đồng sở hữu phải có tất cả đồng sở hữu đồng ý mới được bán, nhưng nhiều trường hợp đồng sở hữu đang định cư ở nước ngoài, ở trong nước nhưng không liên lạc được hoặc mất tích...

Do vậy để giải quyết cho các đồng sở hữu còn lại, TP chấp thuận cho phép những đồng sở hữu này được bán toàn bộ căn nhà và giá trị của phần vắng đó được nộp vào các ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước TP.



> TP.HCM: Bắt đầu trả “phần vắng” cho Việt kiều .



Theo Địa Ốc TTO