Top

Giao dịch nhà, đất bằng “giấy trắng”: Chính quyền bất nhất, người dân lúng túng

Cập nhật 11/01/2008 14:00

Xoay quanh sự khác biệt giữa UBND TP.HCM với Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, thực hiện các giao dịch nhà, đất có “giấy trắng”. Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn của những người trong cuộc về vấn đề này

Ông Trần Văn Trí,
nguyên Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB):

Không thể làm theo Bộ được

Mặc dù công văn số 12 ngày 2.1.2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép giao dịch đối với đất chưa có giấy chứng nhận nhưng tôi nghĩ các ngân hàng sẽ khó mà đồng ý cho vay. Theo Điều 717 Bộ luật Dân sự, bên thế chấp quyền sử dụng đất có nghĩa vụ “giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp”. Nếu bên vay chưa có giấy chứng nhận hoặc những loại giấy tờ có giá trị chứng nhận quyền sử dụng đất, ngân hàng không thể cho vay vì dễ gặp nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc khối giám sát điều hành Ngân hàng Á Châu (ACB):

Sẽ cân nhắc để kiểm soát được rủi ro

Công văn hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép giao dịch đối với đất có hoặc chưa có “giấy trắng”, miễn là đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo xác nhận của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, dù là “giấy đỏ”, “giấy hồng”, “giấy trắng” và nhất là chưa có giấy gì cả, chúng tôi chỉ cho vay khi hồ sơ đáp ứng được những điều kiện quy định và chúng tôi có thể “kiểm soát được rủi ro”.

Như vậy, đối với những trường hợp đất chưa có “giấy đỏ”, các ngân hàng buộc phải rà soát nhiều yếu tố. Nếu sau khi vay vốn người dân mới được cấp giấy chứng nhận, chủ sử dụng đất có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước hay không? Giấy chứng nhận có được chuyển đến ngân hàng? Nếu không chuyển, các cơ quan chức năng cần có cơ chế đảm bảo cho ngân hàng được giữ giấy chứng nhận sau khi đã cấp giấy.

Ngoài ra, ngân hàng còn phải cân nhắc khả năng xử lý tài sản nhận thế chấp khi người đi vay không trả được nợ. Hiện tại, thủ tục phát mại những nhà đất có giấy tờ hợp pháp vốn đã rắc rối và kéo dài. Đối với đất không có “giấy trắng”, thủ tục còn nhiêu khê đến cỡ nào nữa? Tóm lại, chúng tôi sẽ cân nhắc thật kỹ chứ không thể vội vàng làm theo hướng dẫn của Bộ.

Lê Văn Thái (303 Trần Hưng Đạo, quận Thủ Đức):

Biên nhận không thể thay giấy chủ quyền

Thoạt xem thì hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường có vẻ rất thoáng. Người chẳng có miếng giấy lận lưng vẫn được giao dịch bình thường miễn sao đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1.11.2007 và hội đủ điều kiện cấp giấy. Song nếu xem xét kỹ thì bộ này đã hướng dẫn trái luật.

Theo luật định trước giờ, người dân buộc phải có các loại giấy chứng nhận (gồm “giấy hồng”, “giấy đỏ”, các “giấy trắng”) mới được mua bán, thế chấp... Để được cấp giấy chứng nhận, người dân phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ nhà, đất...). Khi chưa có giấy chứng nhận và cũng chưa thực hiện những nghĩa vụ tài chính này, người dân sao có thể giao dịch! Sự thoải mái của Bộ xem chừng đã quá tay nên sẽ không hợp lý và không khả thi.

Tôi ủng hộ quan điểm của UBND TP.HCM và rất muốn các bộ chức năng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp...) cùng ngồi lại với nhau để hướng dẫn các giao dịch đối với “giấy trắng” sao cho không chỏi với các quy định khác và đảm bảo được quyền lợi của cả hai bên giao dịch.

Trần Thị Kim Yên (131 đường 47, phường Tân Quy, quận 7):

Rối ren kiểu này, ai dám giao dịch

Chỉ có mỗi khoản 2 Điều 66 Nghị định 84 ngày 25.5.2007 của Chính phủ mà lại có hai cách hướng dẫn khác nhau. Thật không hiểu nổi!

Chị tôi cũng có nhà, đất chưa làm giấy tờ gì cả và chị ấy cũng đã nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” trước ngày 1.11.2007. Nếu theo Bộ, chị tôi vẫn được mua bán, tặng cho nhà, đất bình thường nhưng nếu các phòng công chứng không chịu chứng nhận thì sao? Chị tôi có thể khiếu nại hay không khi đến giờ UBND TP.HCM vẫn chưa chính thức “gút” là phải làm theo ai? Giả sử chị tôi cậy cục được một phòng công chứng chứng nhận, người mua có dễ dàng được trước bạ, đăng bộ hay không? Xem ra khi cấp trên chỉ đạo không thống nhất thì cấp dưới khó có cơ sở thực hiện thống nhất. Bấy giờ, đố ai dám đoan chắc sẽ không phát sinh sự tùy tiện, tiêu cực và những người dân như chúng tôi chỉ còn biết ôm “cục khổ” mà thôi!

Theo Pháp Luật TP.HCM