Top

Thiếu vốn: Doanh nghiệp bất động sản rơi vào trạng thái “ngủ đông”, nhà đầu tư chật vật bán “hàng ngộp”

Cập nhật 29/11/2022 10:30

Từ doanh nghiệp bất động sản đến các nhà đầu tư cá nhân đang đau đầu vì câu chuyện thanh khoản, nguồn vốn.



Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, theo đó thanh khoản bị sụt giảm nhanh chóng. Kéo theo, nhiều chủ đầu tư hụt hơi, thiếu vốn phải đưa ra những chính sách chiết khấu cao để kích cầu thanh khoản trên thị trường.

Trên thị trường thứ cấp, nhiều nhà đầu tư đang lâm vào tình trạng áp lực khi dùng đòn bẩy tài chính cũng đang rao bán “cắt lỗ”, giảm giá sâu nhằm thoát hàng.

Nhận định về thị trường, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường những năm qua đã có sự tăng trưởng sốt nóng và hiện đang có dấu hiệu chậm lại. Nhưng cũng có thể nói rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Nhìn lại quá khứ, chu kỳ trước vào khoảng tháng 3/2008, trước áp lực tăng trưởng quá nóng của thị trường trong năm 2007 và sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu, lãi suất cho vay gia tăng liên tục không ngừng, có lúc lên đến 25% và lạm phát đỉnh điểm ở mức 23%. Thị trường bất động sản sau đó rơi vào chu kỳ suy thoái.

“Bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nắm bắt được chu kỳ thị trường sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội. Giống như sự lặp đi lặp lại của các mùa, bất động sản sẽ dịch chuyển theo những biểu đồ mà bạn có thể quan sát và dự đoán”,Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết.


Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh chu kỳ bất động sản thường không ổn định và chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Chính vì vậy, thị trường bất động sản chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực sự đối với các nhà đầu tư.

Hiện tại, đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022 như Nghị định số 65 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp; bổ sung nhiều đề án kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cả từ trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.

“Nhìn lại 32 năm qua, Việt Nam đã trải qua 4 chu kỳ phát triển thị trường. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là thị trường bất động sản sẽ vững vàng hay mong manh? Bà Trang cho biết, trong một diễn đàn về thị trường bất động sản mà Cushman & Wakefield thực hiện vào cuối tháng 10 vừa qua, đa số các chuyên gia đều lạc quan rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục vững vàng, và cần sự điều tiết chính sách bất động sản từ Chính phủ phù hợp với vị thế Việt Nam là một kinh tế lớn đầy tiềm năng”, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nói.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư lúc này, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, trong quá khứ, khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng, những chủ đầu tư lớn hiện nay đều đã vượt qua và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn thanh lọc.


Thời điểm này, các doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung hóa nguồn lực, định vị lại phân khúc thị trường, tập trung vào những sản phẩm có giá trung bình phục vụ nhu cầu thực. Bên cạnh đó, họ chuẩn bị cho chu kỳ phục hồi mới bằng việc mở rộng quỹ đất liên tục. Đây là những biện pháp mà các doanh nghiệp, đặc biệt là những chủ đầu tư lớn có thể áp dụng trong giai đoạn hiện nay.

Ông Khôi cho rằng, trên thực tế, một số chủ đầu tư đã và đang tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn ngoài tín dụng và trái phiếu, trong đó có huy động từ khách hàng bằng những chính sách ưu đãi như chiết khấu thanh toán nhanh. Hiện có những doanh nghiệp áp dụng chiết khấu lên đến 40 - 50% giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, có những chủ đầu tư lựa chọn hợp tác với các quỹ đầu tư quốc tế, chia nhỏ bất động sản ra để bán,…

Về các doanh nghiệp môi giới, ông Khôi cho rằng, phải tái cơ cấu lại mô hình hoạt động, cắt giảm nhân sự, tạm thời “ngủ đông” chờ thị trường phục hồi. Đặc biệt, những doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, đã xuất hiện tin rao bán “hàng ngộp” từ nhóm đầu cơ, lướt sóng. Cùng với đó cũng có những khách hàng có tâm lý tâm lý thận trọng và đang bắt đầu tìm kiếm cơ hội “săn hàng” với giá tốt.

Ông Khôi cho rằng, thị trường có một số điểm sáng, đó là khi giá bất động sản được đưa về giá trị hợp lý hơn, những người mua nhà đang tính toán đến việc xuống tiền. Theo một khảo sát của viện nghiên cứu RERI và phía đối tác, có 24% khách hàng, đặc biệt là khách hàng có nhu cầu thực có nhu cầu mua nhà ngay lập tức; 15% sẽ mua trong vòng 3 - 6 tháng tới; 39% sẽ mua trên 6 tháng; 22% sẽ mua nhà sau ít nhất một năm.

Đưa ra dự báo về thị trường, ông Khôi cho rằng, trong thời gian tới, thị trường sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế, địa chính nhiều rủi ro, lạm phát tiếp tục tăng cao; chiến dịch xử lý sai phạm tăng cường khiến một số doanh nghiệp rời thị trường. Việc siết quản lý bất động sản sẽ dẫn đến nguồn cung thiếu hụt ở những thị trường lớn ở như Hà Nội và TP HCM, kéo theo giá bất động sản ở những khu vực này khó có cơ hội giảm. Trong khi đó, nhiều khách hàng chuyển sang tích trữ tiền mặt, lãi suất có xu hướng tăng, room tín dụng hạn chế,...

DiaOcOnline.vn – Theo Markettimes