Top

Cò đất qua thời 'ăn dày'

Cập nhật 29/11/2022 10:05

Người mua đã thận trọng hơn, hết thời một mảnh đất qua tay nhiều cò, giá bị đẩy lên hàng trăm triệu đồng.

Cùng một mảnh đất, tại một thời điểm nhưng mỗi cò đất báo một giá khác nhau. (Ảnh: Ngọc Cương)

Qua thời thổi giá

Lợi dụng việc người mua tin tưởng, giao khoán toàn bộ cho môi giới nhà đất, không ít trường hợp giá đất bị đẩy lên cao so với giá trị thực.

Năm 2021, anh Trần Văn Lân (Cầu Giấy, Hà Nội) có nhu cầu đầu tư đất tại Hòa Lạc. Anh được môi giới văn phòng nhà đất đưa đi xem nhiều lô đang rao bán.

Anh cho hay, nhiều môi giới cùng rao bán một mảnh đất. Mỗi người đưa ra một mức giá khác nhau, chênh tới cả trăm triệu đồng. Anh hoang mang về giá trị thực của mỗi lô đất. “Cò đất nào cũng nhận là mảnh đất của nhà mình, bán rẻ cho nhanh. Họ giục tôi chốt nhanh để lấy vốn đầu tư mảnh lớn hơn”, anh kể lại.

Cùng một mảnh đất, tại một thời điểm nhưng mỗi cò đất báo một giá khác nhau. (Ảnh: Ngọc Cương) Bán tín bán nghi, anh Lân gọi thử số một môi giới khác dán trên tường, người này hỏi luôn anh mua đất cho mình hay mua cho khách. "Khi đó chả hiểu sao tôi tự nhận là môi giới, thì nhân viên đó giới thiệu cho tôi một mảnh đất rộng 930m2, có giá 2,15 tỷ đồng. Họ nói chủ mảnh đất này thỏa thuận chỉ thu về tròn 2 tỷ, còn anh bán cho khách giá bao nhiêu thì tùy", anh nhớ lại.

“Nếu tôi dẫn khách, bán được giá đó, môi giới lo thủ tục sang tên, hưởng 100 triệu đồng. Tôi được hoa hồng 50 triệu đồng. Họ còn gợi ý tôi bán giá cao hơn thì được hưởng riêng”, anh Lân cho biết.

Hồi đầu năm, ông Đinh Văn Hiển (Thanh Xuân - Hà Nội) mua một mảnh đất phân lô bán nền giá 1,2 tỷ đồng với diện tích 90m2, tương đương 13 triệu đồng/m2 ở Bình Yên, Thạch Thất. Sau đó, ông phát hiện lô đất tương tự bên cạnh có giá chỉ 9,5 triệu đồng/m2.
Cò đất bán chênh giá cả trăm triệu đồng so với giá chính chủ. (Ảnh: Ngọc Cương)

Hỗn loạn vì môi giới

Từng làm nhân viên môi giới tại một trung tâm nhà đất tại Hòa Lạc, anh Nguyễn Quang Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) tiết lộ, thời điểm năm 2020-2021, thị trường bất động sản sôi động nhất, nhiều văn phòng nhà đất mọc lên. Giá đất trở nên hỗn loạn. Cùng một mảnh đất, mỗi trung tâm môi giới đưa ra một giá khác nhau khiến nhà đầu tư hoang mang. Nhiều môi giới còn liên kết, bắt tay nhau để đi đến mức giá thống nhất và thường cao hơn giá chính chủ đưa ra.

“Nếu nhà đầu tư tham khảo giá không thấy có chênh lệch về giá, họ tin tưởng mình mua đúng giá thị trường. Thực chất, khách đã mua đắt hơn 10%, thậm chí 20% so với giá chính chủ rao bán. Sau khi giao dịch thành công, 10% đó được văn phòng nhà đất chia nhau”, anh nói.

Theo anh Hoà, chính chủ thường giao khoán toàn bộ giá cho môi giới. Các văn phòng nhà đất tha hồ hét giá, cộng thêm kỹ năng ăn nói khiến các nhà đầu tư thiếu hiểu biết đổ tiền vào, mua phải giá cao nhưng không hề biết.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định, giá đất đai nhảy múa, tăng vọt một phần là do những nhà môi giới không chuyên, thậm chí cả môi giới chuyên nghiệp, “bắt tay” tạo sóng giả, thu lợi cho cá nhân, đơn vị mà không phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương đó, vùng đó. Điều này tạo ra một thị trường bất động sản thiếu lành mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, nhà ở chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa công khai làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường.

Bộ Xây dựng cho rằng, cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet