Sau hơn một năm lĩnh vực bất động sản bị liệt vào định hướng tín dụng hạn chế (không mong tăng trưởng dư nợ, thậm chí giảm dần dư nợ do rủi ro của ngành), nay một số Ngân hàng Thương mại (NHTM) cho rằng, đã đến thời điểm đánh dấu những thay đổi căn bản về lượng và chất đối với sản phẩm cho vay bất động sản.
Lại "luôn mở rộng cửa cho vay bất động sản"
Trong chính sách tín dụng hiện nay của nhiều NHTM, đặc biệt các NHTM cổ phần xác định cho vay bất động sản (BĐS) là một trong những sản phẩm trọng yếu nhất nằm trong chiến lược kinh doanh các sản phẩm bán lẻ cần đẩy mạnh.
Việc nhiều NHTM, trong đó có cả các chi nhánh NH nước ngoài đẩy mạnh cho vay BĐS trong giai đoạn này do họ đánh giá thị trường BĐS còn nhiều tiềm năng; hiện giá cả đã ở mức thấp, có thể mở rộng cho vay mà ít rủi ro.
Tốc độ tăng dư nợ cho vay BĐS của hệ thống NH trong gần 4 tháng đầu năm 2009 khá đều đặn từ 0,5%-1%/tháng. Tỉ trọng dư nợ cho vay BĐS của các NH ở TPHCM và Hà Nội chiếm khoảng trên/dưới 10%/tổng dư nợ. Tỉ trọng dư nợ cho vay BĐS của một số NHTMCP lớn hiện đang chiếm từ 14%-20%/tổng dư nợ.
Khác thời điểm đầu năm, cho vay BĐS chỉ dành cho đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở, đất ở, hiện nay cùng với việc triển khai gói cho vay trung - dài hạn có hỗ trợ lãi suất (HTLS), nhiều NH đang hướng vào khách hàng DN với các sản phẩm chuyên biệt như: Sản phẩm cho vay đầu tư kinh doanh BĐS cho chủ đầu tư; Tài trợ dự án trọn gói cho nhà thầu.
Hầu hết NH nào cũng tìm kiếm xây dựng các mối quan hệ đầu tư chiến lược với các chủ đầu tư, dự án nhà lớn. Ví dụ: HUD, Vinaconex, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Đức house... Những mối quan hệ này có lợi cho cả hai bên. Chủ đầu tư yên tâm được hỗ trợ vốn và được NH giúp bán hàng thông qua các chương trình tiếp thị hỗ trợ vốn cho khách hàng mua nhà tại chính dự án mà NH đầu tư. Còn các NH cũng bớt rủi ro khi vừa cho vay chủ đầu tư vừa cho vay khách hàng mua BĐS.
Có thể nói, cho vay BĐS hiện cũng là lĩnh vực cạnh tranh khá "nóng" của các NHTM. Điều kiện cho vay ngày càng thuận lợi hơn. Mức hỗ trợ cho vay mua nhà và thời hạn cho vay của các NH đang tăng dần. Mức cho vay cao nhất đã lên tới 90% giá trị căn hộ và thời hạn cho vay tối đa hiện nay đã lên 20 năm. Một số NH đã mở cửa cho vay mua đầu tư nhà, căn hộ, đất thay vì chỉ cho vay nhà ở, đất ở như mấy tháng trước đây.
Kích cầu thị trường BĐS lúc này là hợp lý
Với nhiều gói kích cầu tín dụng, tính thanh khoản của nền kinh tế đang tăng lên rõ rệt, nhưng tình hình chưa thể an tâm được. Tăng lãi suất (LS) huy động, nhưng vốn vẫn chưa chịu chảy mạnh vào hệ thống NHTM.
Dòng vốn ngắn hạn trên thị trường không ổn định trong lúc này, sẵn sàng chảy từ thị trường này sang thị trường khác, từ NHTM này sang NHTM khác... mà hậu quả là làm rối thị trường, tăng tính đầu cơ, làm ảnh hưởng đến thanh khoản của các NHTM (đặc biệt là với những NHTM có tỉ lệ cho vay trung - dài hạn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ dẫn đến rủi ro kỳ hạn cao).
Nếu trong tất cả các thị trường mà chỉ có thị trường chứng khoán nóng lên, nghĩa là lợi nhuận ở lĩnh vực này đang ở mức siêu lợi nhuận so với tỉ suất lợi nhuận bình quân trên thị trường, thì dễ thấy thị trường chứng khoán sẽ là một cái bong bóng đang được bơm căng bằng những luồng tiền đầu tư ngắn hạn của toàn xã hội, khả năng nổ là điều có thể trong khi nền tảng của thị trường chứng khoán là sức khỏe của các DN thì vẫn còn mờ mịt. Cho nên, cần san sẻ vốn đầu tư ngắn hạn này vào nhiều thị trường hợp pháp cũng là một biện pháp quản lý.
Do đó, kích cầu thị trường BĐS lúc này là hợp lý, vừa làm giảm nhiệt do tăng nóng của thị trường chứng khoán, vừa kích cầu sang những lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bởi hiện tại kích cầu cho riêng lĩnh vực sản xuất hàng hóa đã gần đi đến giới hạn tác dụng của nó.
Một khi "hầu bao" của các NH đã mở thì thời điểm khởi sắc của thị trường này không còn là xa vời nữa. Tuy không nóng lên từng ngày như thị trường chứng khoán trong mấy tuần qua, nhưng thị trường BĐS cũng sôi động với những nhu cầu tăng khá mạnh.
Có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy những tháng cuối năm nay, thị trường BĐS sẽ khá sôi động. Với cảm nhận đó, các NH cũng đang tăng tốc cho vay BĐS và nhiều người dân có BĐS (để kinh doanh) cũng có tâm lý găm hàng chờ giá lên. Nhu cầu đặt cọc để mua căn hộ chung cư/nhà biệt thự, liền kề trong các dự án tăng mạnh.
Hiện tại một bộ phận khách hàng còn ngần ngại cho rằng mức LS cho vay BĐS còn khá cao, khoảng từ 12,5% đến gần 13%/năm. Để cạnh tranh thu hút khách hàng, một số NH có tiềm năng tài chính mạnh đang giảm LS cho vay đối với một số đối tượng khách hàng. Việc ngày càng nhiều NHTM tham gia cho vay BĐS sẽ là điều kiện để tiếp tục giảm LS cho vay. Từ đó, giúp nhu cầu mua BĐS tăng mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: