Được khởi công từ tháng 10-2008 và theo kế hoạch thì đến tháng 4-2010, công trình nâng cấp mở rộng đường Đà Nẵng - Hội An (đoạn Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa) sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cho đến nay, khi công trình đã triển khai được 7 tháng, nhưng xem ra việc hoàn thành đúng tiến độ rất khó. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng đường Đà Nẵng-Hội An sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Toàn tuyến đường có chiều dài 7,6km từ Km0 (điểm nút giao thông đường Ngũ Hành Sơn-Hồ Xuân Hương) đến Km7+671,1 (điểm giáp ranh tỉnh Quảng Nam), quy mô mặt cắt ngang là 48m với 2 làn đường chính - mỗi làn 15m, dải phân cách 6m, 2 lề bộ hành- mỗi lề rộng 5m.
Trên tuyến đường này còn có hai hầm chui qua đường dành cho người đi bộ, thi công bằng phương án kết cấu bê-tông cốt thép. Đặc biệt, cầu Biện nằm trên trục đường này sẽ được xây mới với chiều dài 24m và chiều ngang 41m, bao gồm hai làn xe và 2 làn đường dành cho người đi bộ. Ngoài ra, trên suốt tuyến đường này còn bố trí 5 điểm dừng xe buýt và một bãi đỗ xe (gần chợ Hòa Hải) có diện tích 50,7m x 50,7m. Đây là đường cấp 2 trong đô thị do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, điều hành dự án là Ban Quản lý dự án và đầu tư công trình giao thông công chính thành phố. Toàn bộ công trình có trị giá 482 tỷ đồng, do hai nhà thầu là Công ty Công trình đô thị thi công đoạn từ Km0-Km4+00, và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 545 thi công đoạn từ Km4+00-Km7+670.
Phải nhìn nhận rằng sau 5 tháng thi công, cả hai đơn vị nhận thầu đều có nhiều nỗ lực nhằm hoàn thành công trình đúng tiến độ. Với điều kiện khách quan khá phức tạp là vừa thi công vừa bảo đảm lưu thông trên toàn tuyến đường, nên các đơn vị nhận thầu đã tranh thủ tối đa phần mặt bằng đã được giải phóng để thi công ngay.
Tuy vậy vẫn không thể đẩy nhanh được tiến độ, do gặp nhiều khó khăn khách quan. Về vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết: Rõ ràng là tiến độ công trình đang chậm so với dự kiến, tuy nhiên tất cả đều do lý do khách quan, vượt ra khỏi nhiệm vụ của đơn vị thi công. Trước hết, công tác giải phóng mặt bằng gặp trục trặc, nên đơn vị thi công không có mặt bằng để thi công. Ngoài ra, còn có một lý do nữa là trong đợt kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, cả hai đơn vị thi công tuyến đường này đều phải huy động cả nhân lực và phương tiện để thi công tuyến đường ĐT 602, nên không thể duy trì đủ con người và phương tiện cho công trình này.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Văn Chương cho biết thêm, qua làm việc với các đơn vị giải phóng mặt bằng thì chính họ cũng gặp lúng túng vì chưa có đất để bố trí tái định cư cho người dân. Đặc biệt gần đây, thành phố chỉ đạo kết hợp di dời, giải tỏa những hộ dân nằm hai bên đường Lê Văn Hiến và những hộ dân nằm trong khu quy hoạch Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, khiến cho số hộ dân di dời hẳn tăng thêm, vì vậy việc bố trí đất tái định cư càng khó hơn.
Về trường hợp những hộ dân nằm trong diện giải tỏa nhưng chưa chịu đi, hầu hết đều cho rằng rất ủng hộ chủ trương mở đường cũng như xây dựng Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, nhưng điều họ quan tâm nhất là cho đến nay vẫn chưa biết sẽ di dời đi đâu. Anh Huỳnh Phước Sáng ở số nhà 453 đường Lê Văn Hiến cho biết, diện tích nhà và đất của anh là 450 mét vuông. Đợt kiểm định đầu, nhà anh mất 125 mét vuông để phục vụ việc mở đường Lê Văn Hiến. Tuy nhiên mới đây lại kiểm định tiếp, và lần này thì nhà anh phải di dời hẳn, bản thân anh cũng đã tháo dỡ nhà, giao đất cho công trình.
Thế nhưng đến nay, anh chỉ mới biết mình có một lô đất trên… sơ đồ ở vị trí gần Trung tâm Hành chính quận, còn một lô nữa thì chưa biết ở đâu. Trường hợp anh Phùng Ngọc Xuân ở số nhà 632 Lê Văn Hiến, dù không phải di dời hẳn mà được tái định cư ngay tại chỗ do phần đất còn lại khá lớn, tuy nhiên anh Xuân cho biết anh được đền bù 149 triệu đồng để đập bỏ phần nhà trên, giao đất cho công trình, còn phần nhà dưới thì không được đền bù.
Thế nhưng cả căn nhà của anh là nhà xây, nếu đập bỏ nhà trên thì nhà dưới cũng phải đập bỏ luôn, đó là chưa kể nhà dưới hiện nay thấp hơn mặt đường cả mét thì không thể để như vậy ở được. Nguyện vọng của anh là mong muốn thành phố hỗ trợ thêm để anh dỡ luôn nhà dưới, được như vậy sẽ thuận tiện hơn.
Không có mặt bằng thì không thể thi công. Vì thế, vấn đề hiện nay các đơn vị thi công cần nhất là phải đẩy nhanh công tác kiểm định, đền bù và sớm bố trí đất tái định cư để người dân yên tâm giao đất cho công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đà Nẵng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: