DN cần chuẩn bị tốt về năng lực tài chính, quản trị, dự án đầu tư để tránh những rủi ro đang rình rập.
Ảnh minh họa
|
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2015, cả nước có 19.049 DN đăng ký thành lập mới, tăng 3,8% về số DN đăng ký mới so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, số DN tăng lên đến 50% so với cùng kỳ năm 2014. Vậy vấn đề đặt ra, yếu tố nào khiến thị trường BĐS hấp dẫn nhiều DN mới hình thành?
Ồ ạt thành lập mới
Phân tích về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, yếu tố đầu tiên hấp dẫn nhiều DN mới thành lập tham gia vào thị trường BĐS là lãi suất NH giảm, niềm tin BĐS được cải thiện và nâng lên đáng kể sau một thời gian dài “bất động”. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở đã và đang thúc đẩy sự phục hồi của thị trường.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS trong những tháng đầu năm 2015 cho thấy, thị trường đang có những tín hiệu phục hồi khi cả ba yếu tố giá cả, lượng giao dịch và tồn kho đều tốt lên. Trong quý I/2015, dư nợ tín dụng NH và lượng giao dịch BĐS thành công tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, giao dịch BĐS tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo một chuyên gia, việc DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới tăng cao được xem là tín hiệu tốt cho lĩnh vực xây dựng, BĐS và cho cả nền kinh tế. Điều này kéo theo hàng loạt các tác động tích cực như thanh khoản của NH sẽ tăng, các DN sản xuất vật liệu xây dựng, DN xây lắp, việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực liên quan đến BĐS sẽ có đầu ra; lượng tồn kho vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sắt thép… theo đó sẽ giảm xuống.
Nói về việc số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS mới thành lập tăng “đột biến” trong quý I/2015, giám đốc một DN nhận định: nếu đi sâu vào nội bộ của từng DN có thể thấy trong số các DN mới thành lập sẽ có 2 loại: thứ nhất DN thành lập mới hoàn toàn; thứ hai những DN đã “chết yểu” do nợ xấu, tồn kho cao, thành lập lại với cái tên mới để “thuận” trong giao dịch… Với loại thứ hai, chỉ là “bình mới, rượu cũ”, đối với nhóm này khách hàng, nhà đầu tư cần lưu ý khi thực hiện giao dịch.
Dưới góc nhìn của chuyên gia BĐS Đỗ Minh Dương, bên cạnh việc thành lập DN do yếu tố thị trường khởi sắc, thì có một thực tế là, sự ra đời ồ ạt của DN BĐS trong thời gian qua là do “lách” Luật Kinh doanh BĐS 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2015. Cụ thể, từ thời điểm 1/7/2015, để thành lập DN BĐS cần có vốn pháp định 20 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với trường hợp đầu tư dự án BĐS để kinh doanh, thuộc diện phải được Nhà nước quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư… “Có thể thấy, những điều kiện như vậy không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được nên việc thành lập DN trước “giờ G” cũng là điều hiển nhiên”, chuyên gia Đỗ Minh Dương bình luận.
Cảnh báo vỡ “bong bóng”
Với làn sóng gia nhập thị trường BĐS ồ ạt của các DN trong những tháng đầu năm 2015, chắc chắn trong thời gian tới thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt và nếu không có được sự chuẩn bị tốt, một làn sóng tiêu cực như phá sản, đóng cửa đã từng diễn ra trong giai đoạn trước đây tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh là điều khó tránh khỏi. Nếu diễn ra sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư thứ cấp cũng như người tiêu dùng.
Việc thành lập DN mới không phải là chuyện dễ dàng nhưng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Vậy nên, DN cần chuẩn bị tốt về năng lực tài chính, quản trị, dự án đầu tư để tránh những rủi ro đang rình rập. Bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát được khó khăn. Trong điều kiện như vậy, để DN chuẩn bị được đội ngũ nhân sự có năng lực phù hợp, phương án huy động nguồn vốn đầu tư cũng như chiến lược kinh doanh mới quả không dễ chút nào.
Còn đối với nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng tham gia vào thị trường BĐS cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, khi có nhiều DN cung ứng các sản phẩm BĐS. Tuy nhiên, thực tế này đòi hỏi nhà đầu tư và người tiêu dùng phải thông thái hơn khi “chọn mặt gửi vàng”. Bởi vì quá nhiều DN cũng tham gia một phân khúc BĐS và đưa ra nhiều sản phẩm chắc chắn sẽ gây “nhiễu” thị trường, do đó người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin và chất lượng sản phẩm cũng như năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án.
Trước xu hướng nhiều DN tham gia vào thị trường BĐS thì nhà đầu tư thứ cấp cũng sẽ có lợi hơn. Bởi trong khi chất lượng sản phẩm và giá thành tương đương nhau thì chất lượng phục vụ đóng vai trò quan trọng trong kết quả bán hàng của DN. Những DN có dự án với chiến lược bán hàng tốt sẽ hấp dẫn được khách hàng như thủ tục giấy tờ nhanh gọn, dịch vụ an ninh, môi trường tốt sẽ có nhiều lợi thế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, khách hàng cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của DN có uy tín; những DN có thiện chí phát triển dự án BĐS có chất lượng, chứng minh được năng lực tài chính vững mạnh, sẵn sàng cung cấp pháp lý rõ ràng, minh bạch để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: