Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 trong đó có nội dung xem xét mở rộng, nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp thêm sức cầu cho bất động sản.
Theo Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chính phủ giao Bộ Xây dựng tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Quốc hội về việc thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư tại
Việt Nam để xem xét việc mở rộng đối tượng sở hữu bất động sản, nới lỏng hơn nữa điều kiện mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, xây dựng dự thảo Luật/Nghị quyết của Quốc hội để xem xét trình Quốc hội trong quý IV/2013 này.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sử đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi Nhà nước giao dự án; mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản đối với các nhà đầu tư nước ngoài; ban hành quy định về hình thức góp vốn bằng quyền phát triển dự án trong dự án liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; huy động vốn từ khách hàng.
Cùng với chỉ đạo trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và hoàn thiện các quy định về đất đai, nhà ở, trong đó nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi theo hướng thu hẹp phân biệt nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trong việc tiếp cận đất đai.
Chính phủ cũng giao các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ chế đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất; tổng rà soát, phân loại các dự án sử dụng đất; kiên quyết thu hồi các dự án đã giao cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả...
“Cơ hội mới cho thị trường bất động sản”
Bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc, Phòng Nghiên cứu và tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam
Trước thực trạng khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách và phương án khác nhau nhằm cải thiện tình hình. Hầu hết các động thái này đều tập trung vào cải thiện sức mua của các nhà đầu tư trong nước và cơ cấu sản phẩm nhà ở bán. Chỉ đến gần đây, Chính phủ mới bắt đầu chú ý đến nguồn cầu từ người nước ngoài và sự quan tâm của họ đối với thị trường bất động sản Việt Nam, cũng như xem xét những ảnh hưởng nếu có của nó lên thị trường nội địa.
Cùng với giá nhà, đất đã giảm đáng kể từ năm 2008, những kiến nghị về mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam nếu được thông qua sẽ đem lại cơ hội mới và hỗ trợ thị trường bất động sản đang trì trệ hiện nay.
“Sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư”
Luật dư David Lim, Công ty Luật ZicoLaw
Luật Kinh doanh bất động sản hiện tại cấm các cá nhân và tổ chức nước ngoài sử dụng bất động sản cho bất kỳ mục đích gì ngoài mục đích để ở. Điều này có nghĩa là cá nhân và tổ chức nước ngoài không thể mua bất động sản cho mục đích kinh doanh. Các cá nhân, tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam về thực tế cũng không được phép mua các tòa nhà hoàn chỉnh.
Việc xem xét lại quy định trên rất có ích, do quy định này hạn chế khả năng người nước ngoài thu được lợi ích thương mại từ bất động sản của mình. Quy định cấm này cũng ngăn cản các bên điều hành kinh doanh bất động sản hợp pháp hoạt động tại Việt Nam. Việc thay đổi quy định trên sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
“Khó tạo ra được bước chuyển biến đáng kể”
Luật sư Nguyễn Thị Nguyệt, Công ty Luật Mayer Brown
Theo tôi, đúng là Chính phủ Việt Nam vẫn còn duy trì hành lang pháp lý khá chặt đối với các quy định cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua, sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng cũng là chưa công bằng nếu nói rằng, các quy định pháp luật của Việt Nam trong việc này là chặt chẽ hơn so với các nước khác trong khu vực.
Việc mở rộng thêm quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ được thị trường chào đón và có thể sẽ góp phần giảm số lượng bất động sản tồn kho hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc nới rộng điều kiện này khó có thể tạo ra bước chuyển biến đáng kể nào. Chúng ta cần phải nhớ rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự đóng băng của thị trường hiện nay là do chính sách quản lý thị trường bất động sản còn bất cập. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần phải có những bước tháo gỡ thật quyết liệt.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: