Top

Thắt chặt quản lý, hạn chế tình trạng “ôm” nhà đất công

Cập nhật 28/05/2009 09:45

Báo SGGP ngày 27-5 đăng bài của ĐBQH Lê Như Tiến, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên của Quốc hội về vấn đề buông lỏng quản lý đất đai, công sản. Chung quanh nội dung này, phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.

* Thưa Bộ trưởng, ông nhận định thế nào về các vấn đề mà Đại biểu (ĐB) Quốc hội Lê Như Tiến nêu ra trong bài viết về buông lỏng quản lý đất đai, công sản đăng trên Báo SGGP?

Trong bài viết này, ĐB Lê Như Tiến có nêu ra 3 vấn đề: thứ nhất là quản lý đất đai, thứ hai là quản lý nhà cửa, thứ ba là các công sản khác. Các vấn đề này thuộc nhiều lĩnh vực của các cơ quan quản lý khác nhau. Vì thế trước kia Chính phủ có Quyết định 09 làm thí điểm ở TPHCM để sắp xếp lại nhà đất trên địa bàn, nơi nào thừa thì trả lại, nơi nào không cần dùng thì phải thu hồi. Sau đó Chính phủ cũng có nghị định mở rộng làm cả nước, hiện đang triển khai chủ trương này. Kế đến là việc triển khai Luật Quản lý tài sản công. Luật có quy định sau một thời hạn nhất định phải có báo cáo. Chính những vấn đề ĐB Lê Như Tiến nêu ra trong bài viết về việc thu hồi nhà đất ở TPHCM là kết quả của việc Chính phủ đang làm.

* Vậy thưa Bộ trưởng, trong vấn đề quản lý công sản thì trách nhiệm của Bộ Tài chính là như thế nào?

Hiện vấn đề quản lý công sản, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các cơ quan chức năng và các địa phương cứ theo đó mà làm. Đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM vừa rồi làm rất mạnh. Có một số bước như sau: yêu cầu tất cả các cơ quan, kể cả trung ương và địa phương trên địa bàn kê khai, sau đó xem xét nhu cầu cái nào cần dùng, cái nào không cần dùng, đối chiếu tiêu chuẩn quy định, từ đó báo cáo với một hội đồng. Hội đồng này sẽ rà soát phê duyệt từng phương án một, cái nào thì để lại, cái nào thì thu hồi. Vừa rồi đã làm được một loạt vụ việc với cách làm như vậy. Ví dụ thu hồi đất ở Tổng Công ty Lương thực miền Nam trị giá hàng ngàn tỷ đồng cũng là kết quả của việc sắp xếp đó.

* Theo ĐB Lê Như Tiến, nếu chủ trương này được làm quyết liệt thì sẽ tạo nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ đồng, đỡ gánh nặng cho ngân sách. Bộ trưởng có nghĩ đây là cách để giảm bội chi ngân sách trong bối cảnh hiện nay?

Hiện nay nguồn đó không đưa vào cân đối để giảm bội chi ngân sách, mà dùng để tăng nguồn lực đầu tư trên địa bàn đó. Ví dụ bản thân những doanh nghiệp phải di dời ra, bị thu hồi đất, thì Chính phủ có hỗ trợ doanh nghiệp đó làm nhà máy mới, phần còn lại để lại cho ngân sách địa phương để tăng đầu tư hạ tầng, từ đó tăng nguồn lực.

* Theo Bộ trưởng, nguồn lực đó có đến hàng trăm ngàn tỷ đồng như ĐB Lê Như Tiến nói không?

Bây giờ cần phải tính toán con số cụ thể. Hiện đang làm, làm đến đâu thu hồi đến đấy.

* Vậy theo đánh giá của Bộ trưởng, việc sắp xếp lại tài sản công hiện nay đã đủ độ quyết liệt chưa?

Tôi nghĩ hiện nay đã đầy đủ rồi, quy định cao nhất là Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã có hiệu lực từ năm 2009. Luật này cũng quy định sắp xếp, xử lý. Đối với các bộ, ngành sẽ thắt chặt quản lý, hạn chế tình trạng “ôm” đất. Riêng hệ thống khách sạn, nhà nghỉ... mỗi bộ, ngành chỉ được giữ lại 1 cái; còn lại phải chuyển sang hình thức doanh nghiệp để hoạt động minh bạch. Với công sở thì áp theo tiêu chuẩn mét vuông đã quy định.

Còn lại, sẽ kiên quyết xử lý chuyển đổi hoặc thu hồi. Tôi khẳng định là Nhà nước quyết tâm lập lại trật tự trong quản lý. Cơ quan nhà nước là không được cho thuê. Nơi nào đang cho thuê thì phải chấm dứt ngay. Đối với nơi có sai phạm, có thể sẽ áp dụng hình thức ngừng cấp ngân sách, không cho xây dựng, cải tạo, thu hồi nhà đất và xử lý trách nhiệm.

Theo ông Phùng Văn Nghệ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), hiện nay cơ quan này đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất của các vùng và cả nước, tổng hợp số liệu về hiện trạng sử dụng đất năm 2008 và tập hợp báo cáo. Hiện Tổng cục Quản lý đất đai đang đôn đốc các địa phương, để trong quý 2 sẽ hoàn thiện được báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo này, Chính phủ sẽ có phương hướng về sắp xếp lại quỹ đất công theo hướng hiệu quả, chống lãng phí.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng