Top

"Săn", chuyển nhượng ki - ốt: Lợi từ hai phía

Cập nhật 26/10/2013 08:39

Thị trường BĐS ngày càng đa dạng về sản phẩm, loại hình dịch vụ, cũng như cách thức kinh doanh để kiếm lợi nhanh chóng. Ki - ốt tại các tòa nhà chung cư (dân sinh và hỗn hợp thương mại văn phòng) xuất hiện từ 3 năm nay đã chiếm thị phần đáng kể với lượng giao dịch tương đối ổn định. Dù chưa có một thống kê nào từ cơ quan quản lý hay đơn vị tư vấn môi giới trong và ngoài nước, nhưng nguồn thông tin cũng như đối tượng quan tâm tới loại hàng hóa này luôn dồi dào trên các phương tiện truyền thông.

Vừa kinh doanh

Tương ứng với muôn vàn thông tin rao bán, sang nhượng rất hấp dẫn này, khách hàng tìm tới cũng rất đa dạng.

Trước hết là đối tượng sinh sống trong chính tòa nhà đó muốn kinh doanh dịch vụ (bán hàng tạp hóa, sim thẻ, giặt là) để cải thiện thu nhập. "Gia đình tôi đang ở tầng 6 ở khu Nam Xa La. Thuê dài hạn thêm 1 ki - ốt dưới tên người họ hàng và kinh doanh giặt là ở tầng 1 ban đầu chỉ mất khoảng 800 triệu nhưng sau 2 năm hiệu quả thu về rất khả quan", chị Xuân vui vẻ cho biết.

Tiếp đến, khách hàng là dân kinh doanh dịch vụ đúng nghĩa theo cách: thuê hoặc mua "đứt" (với thời hạn sử dụng phổ biến khoảng 20-30 năm) từ đơn vị quản lý tòa nhà và đường hoàng mở cửa hàng để khai thác. Theo ông Tuấn, chủ một ki - ốt bán đồ ăn sáng tại khu tái định cư Linh Đàm, việc mua bán, ký hợp đồng đặt cọc mua bán các ki ốt dạng này chỉ cần "khéo léo" và tìm đúng "đầu mối" là hoàn toàn yên tâm về giá cả lẫn pháp lý.

Đơn cử, một ki - ốt ở CT1 X2 Linh Đàm được mua đi bán lại với giá dao động khoảng 600-800 triệu đồng cho 40-50m2. Ký được hợp đồng với các đơn vị được giao quản lý ki-ốt từ Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, rồi kinh doanh, hoặc cho thuê lại với giá 6-8 triệu đồng/tháng, đang là cách làm phổ biến của giới kinh doanh dịch vụ (bao gồm cả dân địa ốc).

Những ki – ốt ở các khu tái định cư luôn được mua bán, cho thuê rất "thoải mái"

Cách phối hợp "2 trong 1" của một chủ sở hữu ki - ốt tầng 1 ở khu tái định cư Linh Đàm: với diện tích mặt sàn chừng 50m2, cộng thêm khoảng sân "cơi nới" bằng cách lợp mái tôn chống nóng, khoảng 30m2, quán bia của ông Minh thu hút rất nhiều thực khách, nhờ việc để xe thoải mái, không gian nhiều cây xanh.

Vừa để ở?

Dù đang sở hữu một căn chung cư rộng 120m2 đủ cho 4 người trong gia đình sinh hoạt, nhưng chủ sở hữu vẫn "linh hoạt" cơi nới thêm căn gác xép trong lòng ki-ốt để dành cho nhân viên ngủ nghỉ. Tới khi bị siết nợ căn nhà vì đầu tư vàng thua lỗ, cả gia đình ông Minh chuyển hẳn xuống ki - ốt sinh sống và chỉ thu gọn hoạt động kinh doanh thành bán sim thẻ điện thoại di động.

Không riêng gì ở khu Linh Đàm, việc sử dụng ki-ốt (vốn chỉ được biết với mục đích kinh doanh) làm căn hộ để ở rất phổ biến ở nhiều khu tái định cư khác trên địa bàn Hà Nội. Điển hình: Khu tái định cư Đồng Tàu, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Đền Lừ… Thậm chí, tại khu tái định cư Pháp Vân - Tứ Hiệp, việc kinh doanh - sinh sống trong các ki ốt tầng 1 còn được lợi thế sử dụng giá điện kinh doanh theo giá sinh hoạt.

Cách đây chưa lâu, trong vai người đi tìm thuê ki-ốt tầng 1 để mở cửa hàng photocopy, phóng viên nhận được lời mời hợp tác "khó từ chối" của một chủ sở hữu tên Vân: thuê ki – ốt kinh doanh cửa hàng ở đây sẽ được lợi đầu tiên là tiền điện. Chỉ với gần 1 triệu đồng mỗi tháng, cửa hàng cà phê nhà tôi có thể "vô tư" mở điều hòa và mở cửa vào mùa nóng. Ngoài ra, với diện tích 30m2 bao gồm cả gác lửng, tận dụng làm chỗ ở sinh hoạt cũng… chẳng ai cấm.

Được biết, trong các văn bản pháp luật hiện hành không hề nhắc tới việc cấm sử dụng ki ốt tầng 1 (tầng dịch vụ) chung cư thương mại làm nơi ở. Có chăng, UBND Tp. Hà Nội chỉ mới ban hành văn bản quy định giá thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho thuê là cơ sở dịch vụ sẽ tăng, nhưng chỉ dao động từ 100-220.000đồng/m2/tháng, tùy từng nhóm đường phố khác nhau (có 6 nhóm).

Gần 1 năm trước, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Tại thời điểm này (năm 2012), Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội mới chỉ có Tờ trình số 1276 CTQLVPTN, XNQLDV đề xuất cho các đơn vị thuê, nhưng vẫn chưa được Sở Xây dựng đồng ý và chưa có sự chấp thuận của thành phố Hà Nội.

Việc một số đơn vị cá nhân tự ý rao bán, cho thuê lại phần diện tích trên là vi phạm pháp luật…". Từ đó đến nay, phản hồi từ cơ quan quản lý vẫn chưa có, nhưng không biết bao nhiêu trường hợp giao dịch mua bán, cho thuê ki ốt vẫn âm thầm diễn ra. Với yếu tố pháp lý chưa thể đảm bảo, việc mua ki ốt mất tiền tỷ, nhưng người mua chỉ được thuê sử dụng là điều khó tránh khỏi vì giao dịch dạng này chỉ có hợp đồng mua bán, đặt cọc và biên bản bàn giao giữa cá nhân tự xác lập.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo kinh doanh