Top

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:

Quy hoạch trung tâm hành chính ở khu vực Hòa Lạc

Cập nhật 26/11/2009 09:55

Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao đổi với Tiền Phong về nhiệm vụ chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến 2050, sáng qua 25/11.

Về trung tâm hành chính mới, Chủ tịch Thành phố cho biết: “Chúng ta vẫn dành một quĩ đất để quy hoạch khu hành chính quốc gia ở khu vực Hòa Lạc, dọc theo trục Hồ Tây - Ba Vì”.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, qui hoạch lần này đã tiếp thu những ý kiến đóng góp, kể cả của các cơ quan quản lí và đặc biệt là các chuyên gia. Lần này, các đóng góp không những trực tiếp mà bằng cả văn bản, ý tưởng, phương án bản vẽ và những nhóm tư vấn đã tiếp thu.

Mở rộng vùng lõi

* Vậy quy hoạch chung Hà Nội lần này có gì mới?

Đòi hỏi với Hà Nội đô thị hiện đại nhưng phải có bản sắc. Lần này, chúng ta đưa ra ba vấn đề trọng tâm thực hiện mục tiêu đô thị hiện đại và bản sắc.

Thứ nhất, vấn đề bảo tồn, cải tạo và nâng cấp phố lõi trung tâm cấu thành đô thị đa hệ: cổ có, cũ có, hiện đại có.

Thứ hai, đã nghiên cứu một cách toàn diện những khái niệm, quan điểm và cơ cấu đô thị xanh. Ở đây, không đơn thuần chỉ là trung tâm, vành đai xanh, hành lang xanh.

Ví dụ toàn bộ vành đai đô thị mới bọc quanh lõi hiện nay, từ sông Nhuệ ra sông Đáy thì cấu thành các cụm đô thị nhưng người ta đưa ra ý tưởng tạo trục không gian xanh để kết nối các nhóm đô thị từ bắc đến nam sông Hồng. Đương nhiên, có bảo tồn, giữ gìn các hồ nước.

Thứ ba, giải quyết vấn đề hạ tầng. Quan trọng nhất là đưa ra định hướng về tổ chức không gian gắn với hạ tầng thế nào cho mạch lạc, giải quyết được vấn đề giao thông đô thị. Phía bắc sông Hồng, hạ tầng giao thông không hướng tâm.

Còn ở phía Nam thì hướng tâm với các vành đai mạch lạc. Kết nối là hệ thống giao thông công cộng mà chủ yếu là đường sắt trên cao hoặc dưới thấp, phần lớn ở trên cao, vào trung tâm hạ xuống.

Qui hoạch lần này đã phân tích và đưa ra 22 vấn đề là những tồn tại đối với Hà Nội cần phải giải quyết, trong đó có đầy đủ về hạ tầng, không gian, địa chất, tài nguyên, nước sạch, nước ngầm.

* Nếu các dự án vướng vào vành đai xanh chúng ta sẽ xử lí thế nào?

Chắc chắn là phải xử lí. Vừa qua ta rà soát trình Thủ tướng cũng là trên cơ sở định hướng qui hoạch. Các dự án đó đã được rà soát lại, xem xét để sắp xếp, cái nào được tiếp tục, cái nào không. Bước thứ hai là rà soát chi tiết cụ thể hơn, làm sao kết nối với nhau về mặt hạ tầng, không gian kiến trúc, không gian xanh… Tỷ lệ xanh... là 62 phần trăm và có thể còn cao hơn thế nữa.

Hòa Lạc - trung tâm hành chính mới
 


* Thưa ông, đến nay trung tâm hành chính được quy hoạch tại đâu?

Lần trình thứ hai, Thủ tướng quyết định nghiên cứu tiếp theo hai bước. Thứ nhất, chúng ta vẫn dành một quĩ đất để qui hoạch khu hành chính quốc gia ở Hòa Lạc, dọc theo trục Hồ Tây - Ba Vì. Đồng thời, đưa một số cơ quan trung ương về một trung tâm mới nằm trên trục đó.

Trung tâm hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng giống như Trung tâm hành chính của Seoul. Trung tâm đô thị hành chính ở Láng - Hòa Lạc là cái chúng ta quy hoạch, dành quĩ đất để khi đủ điều kiện thì xây dựng.

* Khái niệm đô thị lõi tính từ đâu, thưa ông?

Lần này chúng ta quyết định được phạm vi, qui mô đô thị lõi. Ở khu vực phía nam sông Hồng thì sẽ tới hành lang sông Đáy, lõi trung tâm về đến sông Nhuệ. Còn từ ngoài sông Nhuệ đến sông Đáy là đô thị vành đai, ôm bọc lấy lõi. Về phía bắc là đô thị dải, cả Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, trừ Sóc Sơn, là vệ tinh.

* Cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong