Việc Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép bán 20% số lượng nhà trong mỗi dự án nhà ở không phải qua sàn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) huy động vốn liệu có nảy sinh tiêu cực?
Một dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội. |
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có điều kiện huy động vốn, hợp tác kinh doanh với các đối tác và hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp, bộ này đề xuất bổ sung thêm quy định về tỷ lệ giao dịch không qua sàn.
Cụ thể là trong dự thảo Nghị định cho phép các chủ đầu tư được huy động vốn có phân chia sản phẩm là nhà ở hoặc bán không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án không qua sàn giao dịch bất động sản. Số nhà còn lại trong dự án bắt buộc phải bán qua sàn.
Bộ Xây dựng cho rằng, quy định này sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lách luật, không thực hiện bán nhà qua sàn bằng cách huy động góp vốn có phân chia sản phẩm là nhà ở, có những trường hợp đã huy động vốn và phân chia hết số lượng nhà ở của dự án nên không còn nhà để bán qua sàn như đã diễn ra trên thực tế trong thời gian vừa qua.
Theo quan điểm của đa số các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, Trong quá trình huy động vốn của các doanh nghiệp là chủ đầu tư, để một dự án thành công thì phải cần rất nhiều nguồn vốn.
Và nếu tuân theo các quy định hiện tại, việc thu hồi vốn của các nhà đầu tư rất chậm, có độ trễ dài, nhất là khi các thủ tục hành chính của chúng ta còn nhiều vấn đề.
Vì thế, việc tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thể huy động vốn được sớm hơn để hoàn thành dự án kịp tiến độ cũng chính là tạo ra một nguồn cung tốt hơn cho xã hội. Vấn đề là cần kiểm soát để làm sao nhà nước không bị thất thu thuế và đảm bảo không vướng mắc trái với luật và những quy định hiện hành.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu Chính phủ chấp thuận phương án của Bộ Xây dựng là dành tỷ lệ tới 20% số lượng nhà trong các dự án nhà ở không phải giao dịch có thể làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Về vấn đề này, theo ông Phan Thành Mai - Trưởng ban điều hành mạng sàn khu vực Miền Bắc, mục đích của việc này là mong muốn nhằm tháo gỡ những khó khăn của các chủ đầu tư vào thời điểm hiện tại với những lý do rất chính đáng. Và khi thực thi nó sẽ có kèm theo các chế tài kiểm soát.
“Do vậy, việc đặt vấn đề tham nhũng ở đây theo tôi nhận thấy không phải là điểm quá lo lắng mà chúng ta hãy nhìn về lợi ích của nó, tạo nguồn cung cho thị trường và đưa lại giá trị thiết thực cho cả người mua, người bán đặc biệt là tránh được vấn đề thất thu thuế. Đấy là vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải hướng đến” - ông Mai nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: