Top

Quy hoạch đô thị phải lấy con người làm chủ thể trung tâm

Cập nhật 07/11/2009 09:05

Một góc trung tâm thành phố nhìn từ trên cao - Ảnh A.K.

Trên số báo trước, KTS Nguyễn Trọng Huấn giới thiệu đôi nét về vốn liếng đô thị của tiền nhân, để kết luận rằng từ xa xưa ông cha ta đã có quy hoạch đô thị. Bài thứ hai sau đây sẽ phân tích những việc nên làm cho quy hoạch đô thị hôm nay.

Thực trạng xây dựng đô thị ở nước ta đang đặt ra trước mặt các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, và trước hết, trên hết là những người chịu trách nhiệm lãnh đạo quốc gia nhiều vấn đề cần được nhìn nhận lại một cách thật khách quan và nghiêm túc. Chúng ta đang đổ ra hàng núi tiền cùng công sức và thời gian, tài nguyên và lãnh thổ để xây dựng đô thị, nhằm mục đích gì? Đâu là mục tiêu và đâu là giải pháp?

Có một định nghĩa kinh điển: “Bộ mặt đô thị là bộ mặt xã hội, bộ mặt quốc gia”. Nó là một cuốn sử biên niên chép lại tất cả những gì chúng ta đã làm và đang làm. Và chính những cái ta đang làm hôm nay sẽ để lại cho hậu thế.

Nhưng dường như những kết quả đã có chưa làm vừa lòng nhân dân - những người đóng thuế - và cũng chưa làm vừa lòng Đảng và Nhà nước, những người được nhân dân gửi gắm việc hướng dẫn đường đi nước bước, quyết định chi tiêu cho công cuộc đô thị hóa, một công cuộc mà người dân hằng mong đợi! Thực trạng đô thị ở TP.HCM và thủ đô Hà Nội tạm đủ làm dẫn chứng.

Không có bất cứ một quốc gia nào trên thế giới này có một hệ thống giao thông đô thị hỗn loạn như nước ta. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông năm sau luôn cao hơn năm trước. Người ta còn tính rằng số người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày không thua gì số hy sinh trong chiến tranh.

Bốn triệu xe máy và ba trăm ngàn xe hơi chỉ tính riêng TP.HCM. Hệ thống giao thông đô thị như ở hai thành phố lớn nhất nước, chỉ riêng việc dàn hết xe máy ra mặt đường thôi, xem như đã không còn không gian để dịch chuyển. Đứng trên gác cao nhìn xuống lòng đường, không thấy mặt đường đâu, chỉ thấy như một đàn kiến, nối đuôi nhau, bò chậm rãi.

Trong thiết kế, bề rộng lòng đường được tính bằng tiêu chuẩn lưu lượng xe quy đổi thông qua một mặt cắt, thì trong thực tế, xe hơi chen bánh cùng một rừng xe máy và những chiếc xe buýt to đùng. Xin đừng đổ lỗi cho người dân. Không có bất cứ một luật giao thông nào, không có bất cứ một hệ thống điều khiển nào - dù tiên tiến nhất có thể phục vụ hiệu quả cho tình trạng giao thông hỗn loạn của đô thị Việt Nam.

Trong khi hệ thống đường đô thị không đủ cho xe hơi lăn bánh với tốc độ tối thiểu thì một bộ khác vẫn cho nhập xe hơi đều đặn như không có gì xảy ra. Những liên doanh sản xuất xe máy vẫn hằng ngày giới thiệu mẫu xe mới! Vẫn khẩn trương đáp ứng nhu cầu của những người chưa kịp mua xe và sẽ mua xe.

Xe buýt đang là một giải pháp tình thế. Cả tài xế xe buýt lẫn hành khách vẫn đang hành hạ nhau từng ngày, cả hai cùng khổ!

Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM sẽ tổ chức phiên điều trần về quy hoạch sau đợt giám sát kéo dài từ cuối tháng 8-2009 đến nay… Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó ban cho biết: “Đại biểu HĐND thành phố cũng đạt được một số kết quả, nhưng có lúc chúng tôi cũng thấy bất lực trước những yếu kém, bất hợp lý vẫn tồn tại mà không làm chuyển biến tốt hơn được…”.

Vậy mà, trên tạp chí Quy hoạch xây dựng - tạp chí chuyên ngành của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP), ông Viện phó kiêm Tổng biên tập tạp chí đã từng tuyên bố, đại ý: “Chúng tôi không muốn bàn đến quy hoạch treo, từ này không có trong bất kỳ một từ điển nào của thế giới!”.

Viện này thuộc Bộ Xây dựng - đơn vị luôn tự phong là viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc - có thể đến lúc nên chuyển thành viện hàn lâm ngôn ngữ vì một lẽ đơn giản, những từ ngữ cao sang được dịch ra từ tiếng nước ngoài hầu như chẳng ăn nhập gì với thực tiễn quy hoạch Việt Nam.

Mấy tuyến tàu điện ngầm bàn soạn đã lâu, niềm hy vọng mong manh của người dân thành phố, lại đề nghị điều chỉnh, kéo dài cự ly. Mong sao với công trình này, các đối tác nước ngoài đừng cho tiền (?) các quan chức người Việt để công trình được thông đồng bén giọt, sớm phát huy tác dụng phục vụ dân chúng đang lặn ngụp từng giờ trong mê hồn trận của hệ thống giao thông đô thị hiện nay...

Sau mỗi cơn mưa, TP.HCM và cả thủ đô Hà Nội như chìm trong một trận đại hồng thủy. Không nói đến nỗi khổ của người dân vì sinh kế phải xông pha, mà hiện tượng này nếu kéo dài, cùng với triều cường dâng cao, tần suất tăng dày, đất đai thường xuyên ngậm nước, có ai nghĩ đến việc nền đất sẽ nhão ra, sức chịu giảm xuống, thành phố sụt lún và mật độ những công trình cao ốc trăm năm ngày càng dày đặc sẽ góp phần gia cường tải trọng, gia tăng hệ lụy? Chuyện này cũng không mới. Vẫn là “bổn cũ soạn lại” mà Bangkok đã và đang trải qua!

Nghe đâu, hệ thống thoát nước đang cải tạo, dù lô cốt có dựng lên khắp mọi ngả đường thì khi xong, thành phố vẫn không thoát ngập vì lý do số liệu được dùng để tính toán đã quá cũ, và triều cường đã lập đỉnh mới?

Lẽ ra, cần nhanh chóng xây thêm những thành phố vừa và nhỏ ở đâu đó, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn… với một kết nối giao thông hợp lý để giãn bớt dân số khu trung tâm, giảm áp lực lên khu đô thị cũ, tạo điều kiện để từng bước cải tạo, chỉnh trang bộ mặt thành phố thì chúng ta lại làm ngược lại. Gia tăng số lượng các nhà cao tầng, loại công trình hút thêm người vào trung tâm, gây quá tải lên hệ thống kỹ thuật hạ tầng, gây tắc nghẽn giao thông và mật độ dân số tăng cao một cách bất hợp lý.

Mất hơn ba mươi năm để chúng ta dò dẫm vượt dòng sông Sài Gòn rộng chừng 350m, hy vọng sớm có một trung tâm thành phố mới như chúng ta mong đợi. Nhưng thực tế cho thấy một việc như thế không thể hoàn thành ngày một, ngày hai. Trong khi cả một dải bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình Triệu, hàng trăm hecta đất đai từng sẵn sàng cho một khu đô thị khang trang, dọn mình chờ đợi bộ mặt thành phố hiện đại ngả bóng xuống một dòng sông đẹp, kéo dãn trung tâm thành phố từ quận I thành một vệt đô thị liên hoàn sau khi Tân Cảng và Nhà máy Ba Son di dời, đã không được xem xét, khai thác, sử dụng.

Bên kia sông, nếu quy hoạch sớm, xây dựng một hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, kéo giãn những công trình cao ốc đang chen chúc trong khu trung tâm, không những thành phố sớm có bộ mặt mà không gian lịch sử lâu đời sẽ không bị biến dạng như hiện nay.

Giải tỏa di dời là một bài toán hóc búa. Không ai phản đối việc hy sinh một chút quyền lợi riêng cho thành phố phát triển. Nhưng không ai đồng tình với khung giá đền một mất mười. Cay đắng hơn, những “con buôn đất đai”, chủ nhân dự án, ăn lời trắng trợn, nhãn tiền ngay trước mắt người dân bị giải tỏa như một hình thức tước đoạt của người nghèo!

Đô thị Việt Nam càng phát triển càng rối loạn!

Trái đất quay và thời gian vẫn là một dòng chảy liên tục chuyên chở lịch sử. Không có chuyện quay ngược kim đồng hồ, nhưng không phải tất cả những gì đi qua đều đáng bỏ sọt rác. Vấn đề phải biết mình là ai và đang cần gì?

Cũng không thể trách đội ngũ những người làm quy hoạch ở nước ta, trong hơn năm mươi năm qua, họ là những đầu bếp chỉ được dạy nấu ăn với công thức chế biến duy nhất một món: “mô hình đô thị Xô viết”. Với những người lớn tuổi hơn một chút, có thể đã sống qua thời trước Cách mạng tháng Tám 1945: “mô hình đô thị thuộc địa kiểu Pháp”. Còn mô hình đô thị Việt Nam như trình bày trong bài trước đã bị người Pháp xóa sổ.

Những tri thức trực quan và hệ thống nhận thức ấy đều đang bị những vòng quay lịch sử nhanh chóng bỏ lại sau lưng, mà nhiệm vụ của họ - những người làm quy hoạch đô thị ở nước ta - lại là đưa ra những mô hình dự báo cho tương lai đô thị 20 năm, 50 năm, thậm chí 100 năm sau như phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô 10-10 vừa qua?

Với tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới hiện nay, nhất là trong lĩnh vực chính trị và nhân văn, dự báo cho mươi mười lăm năm đã khó, lấy gì làm căn cứ cho những dự báo dài hạn trong khi ngành Dự báo học, một khoa học tối cần thiết đối với công cuộc quy hoạch đô thị thì hình như chưa cử ai đi học.

Một bài toán khó

Hệ thống đô thị ấy xây dựng trên đất nước mình, trong thiên nhiên mình, cho người Việt Nam mình sống, làm việc và học tập. Bộ mặt ấy chính là tấm gương soi những gì đã, đang và sẽ diễn ra trong đời sống. Về tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, về đời sống tinh thần và mức độ hưởng thụ vật chất mà cuộc sống này mang lại.

Thực trạng đô thị nước ta trong hai chục năm qua phản ánh một thực tế: Đô thị Việt Nam càng phát triển càng mất phương hướng, nếu không có một cuộc cải tổ mạnh mẽ.

Và để cải tổ, không thể không tiến hành - cũng một cách mạnh mẽ - một cuộc kiểm định về sự nghiệp đô thị hóa ở nước ta, không chỉ mười năm, mà rất cần toàn bộ quá trình năm mươi năm qua, từ khi thành lập.

Và cũng như mọi sự nghiệp khác mà Đảng từng chủ trương và theo đuổi, quy hoạch đô thị vẫn phải lấy CON NGƯỜI làm chủ thể trung tâm. (KTS Nguyễn Trọng Huấn)


DiaOcOnline.vn - Theo DNSG Cuối tuần