Ảnh minh họa: Khều. |
Tại Hội nghị điều trần về tình hình phân cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000, do Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM tổ chức hôm 30-10-2009, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND, nhắc: “Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc hứa trước hội đồng rằng, cuối năm 2007 sẽ phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000, nhưng vì sao đến nay, cuối năm 2009, vẫn chưa phủ kín?”.
Phủ kín để làm gì?
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, hiện toàn thành phố có 506 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, với diện tích 65.877,94 héc ta, chiếm 89,58% đất đô thị; trong đó có 331 đồ án đã được phê duyệt với 44.544,3 héc ta, còn lại 285 đồ án đang trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt.
Báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng như của các quận, huyện tại phiên điều trần cho thấy, tuy quy hoạch chi tiết xây dựng chưa phủ kín cả thành phố như mong muốn nhưng tình hình có tiến triển. Các quận 1, 3, 5, 12, Tân Bình, Gò Vấp... đã gần như phủ kín quy hoạch trên vùng đất đô thị.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, nói: “Kể từ năm 2005, khi thành phố phân cấp cho quận, huyện lập và phê duyệt quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định nội dung đồ án, thì tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đã tăng nhanh - gấp 1,3 lần so với 30 năm trước đó”.
Thế nhưng, theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, số lượng đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được lập và duyệt dù nhiều cũng không hữu ích nếu như chất lượng kém, thiếu tính khả thi.
“Thực tế hiện nay nhà đầu tư và người dân vẫn thiếu thông tin quy hoạch, khi giải quyết thủ tục xây dựng vẫn phải tham vấn nhiều cơ quan, thủ tục rườm rà...”, ông Cương nói.
Về vấn đề này, ông Dũng thừa nhận: “Chất lượng của các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 phần nhiều chưa cao, do việc đánh giá hiện trạng, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển, tính khả thi... chưa được nghiên cứu đồng bộ”.
Cụ thể các quận, huyện cũng như Sở Quy hoạch Kiến trúc đã bào chữa: (i) Do việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng cùng lúc với việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận, huyện; cũng như lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố nên có sự chồng chéo; (ii) Do quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số quận, huyện chưa thực hiện xong; (iii) Do việc triển khai xây dựng đề án ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến năm 2020 còn chậm...
Thế nhưng lý do chính, theo kiến trúc sư (KTS) Lưu Trọng Hải, chính là sự bất cập trong việc phân cấp cho các quận, huyện làm quy hoạch. Thực tế, đội ngũ làm quy hoạch ở quận, huyện vừa thiếu vừa yếu. Báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc cho thấy, đội ngũ này hiện nay chỉ có 341 người (mỗi quận có từ 8-28 người). Nhiều quận, huyện làm quy hoạch trong khi không có những kỹ sư về hạ tầng...
Trong khi đó, các đơn vị tư vấn quy hoạch cũng không khá hơn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện toàn thành phố có 376 đơn vị có đăng ký kinh doanh ngành nghề tư vấn quy hoạch. Nhưng Sở Quy hoạch Kiến trúc xác định trong số đó chỉ có 33 đơn vị tham gia lập quy hoạch; và theo đánh giá của sở này, “chỉ có 3, 4 đơn vị thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng”.
Theo KTS. Võ Thành Lân, với đội ngũ và cách làm quy hoạch xây dựng (phân cấp) như hiện nay, các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng còn bất cập và thiếu thực tế là điều dễ hiểu. “Chất lượng của đồ án quy hoạch là rất quan trọng, nếu không có chất lượng thì thà không làm quy hoạch còn hơn”, ông Lân nói.
Ai làm quy hoạch?
Theo TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy hoạch là để phát triển, nếu không hoặc còn lâu mới phát triển thì chưa cần làm quy hoạch chi tiết mà chỉ cần có một số quy định về xây dựng là được. Ông Cương cũng cho rằng, quy hoạch cần được lập theo nhu cầu quản lý phát triển.
Nhu cầu quản lý phát triển đô thị không phải chỉ có quy hoạch để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng các công trình nhỏ lẻ; mà quan trọng là phải đáp ứng kịp thời nhu cầu cải tạo và phát triển đồng bộ của đô thị, theo ông Cương. Đáp ứng nhu cầu quản lý các chương trình và các dự án lớn trên phạm vi một khu vực đô thị sẽ có điều kiện phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị.
Vì vậy, ông Cương đề xuất, trên cơ sở quy hoạch chung của thành phố, nên chia thành phố ra một số khu vực. Mỗi khu vực sẽ có yêu cầu quản lý phát triển khác nhau, như: khu quận 1, 3 không cần quy hoạch, nhưng khi có các dự án đầu tư vào khu vực này, các nhà đầu tư phải tổ chức thiết kế đô thị và công trình phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã có; các quận nội thành như Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh... cần tổ chức các dự án chỉnh trang dài hạn; các quận mới và huyện vùng ven thì cần tổ chức thành các dự án lớn để phát triển đồng bộ...
KTS. Lưu Trọng Hải cũng cho rằng “đô thị là một cơ thể thống nhất”, mà trước tiên là hạ tầng. Vì vậy, không thể làm quy hoạch theo kiểu chia theo địa giới hành chính, mà phải chia theo đặc điểm của từng khu vực. “Cho nên rất khó để mà phân cấp trong việc lập quy hoạch. Theo tôi, cần có sự tập trung trí tuệ và kinh nghiệm của các chuyên gia trong việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng”, ông Hải nói.
Để quy hoạch có chất lượng, theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, cần phải có sự phối hợp giữa các nhà quy hoạch, các nhà nghiên cứu về xã hội, các nhà kinh tế... vì đây là công việc mang tính tổng hợp rất cao.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: