Sau 3 tháng phát động đã có 2 phương án đạt giải A và 4 phương án đạt giải khuyến khích tại cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc Bảo tàng lịch sử Quốc gia ở Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng chấm thi, ông Trần Ngọc Chính đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo sáng nay (18/9/2007).
Cuộc thi do Ban quản lý dự án (BQLDA) Bảo tàng lịch sử quốc gia và Bộ XD phát động từ tháng 5/2007 với tính chất "mở" để các đơn vị tư vấn nước ngoài cùng tham gia. Thể lệ cuộc thi đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của BQLDA (www.pmu-nmh.com.vn).
Ban tổ chức đã nhận được sự đăng ký của tham dự của gần 30 tổ chức tư vấn trong và ngoài nước (trong đó có 9 phương án mang yếu tố nước ngoài). Các đơn vị tham gia đã được BQLDA tạo điều kiện tham quan hiện trường, nơi sẽ XD Bảo tàng lịch sử Quốc gia, đồng thời có buổi tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc, Di sản văn hóa để hiểu rõ hơn nội dung và nhiệm vụ thiết kế...
Từ ngày 9/9 tới 14/9/2007, Hội đồng chấm thi, tuyển chọn đã làm việc một cách nghiêm túc, có trách nhiệm cao với những đánh giá, phân tích khoa học, cụ thể đối với từng phương án. Nhiều phương án thiết kế đã được chuẩn bị công phu với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo, thể hiện tâm huyết, tình cảm, tài năng của các nhóm tác giả trong và ngoài nước đối với công trình văn hóa hàng đầu của Đất nước.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng chấm thi, sau 2 vòng bỏ phiếu, Hội đồng đã quyết định chọn 2 giải A cho phương án có mã hiệu 183173 BD và 794517AD và 4 giải khuyến khích cho các phương án có mã hiệu: 130938 SA; 474447 CV; 243007AH và 200092 VT. Những phương án được giải đều mang phong cách kiến trúc độc đáo, pha lẫn tính dân tộc và hiện đại như: Thể hiện hình tượng bàn tay làm nên lịch sử; trống đồng Ngọc lũ; Chim lạc cất cánh bay; hoặc bọc trứng của mẹ Âu Cơ...
Việc xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia có ý nghĩa rất lớn, bởi lần đầu tiên Việt Nam sẽ XD một bảo tàng lớn như vậy (gồm cả bảo tàng lịch sử và cách mạng). Vì vậy nên các phương án kiến trúc xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia ở Hà Nội sẽ được trưng bày công khai tại Trung tâm triển lãm Văn hóa- Nghệ thuật Vân Hồ, HN từ 18 tới 24/9/2007 và tại Bảo tàng lịch sử TP. HCM từ 2/10 tới 8/10/2007 để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo tầng lớp nhân dân, cũng như của các chuyên gia XD, kiến trúc sư.
Phương án nào đáp ứng được sự đồng thuận cao nhất sẽ được lựa chọn để XD. Trong thời gian triển lãm BQLDA Bảo tàng lịch sử Quốc gia sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩch vực kiến trúc, XD, Di sản VH.
Về Bảo tàng lịch sử Quốc gia
Bảo tàng lịch sử Quốc gia có quy mô gần 10ha, sẽ được XD tại ô đất số 7 trong khu vực Công viên Hữu Nghị (TDT 38,95ha) thuộc quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, của 2 xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Tòa nhà chính của Bảo tàng lịch sử Quốc gia phải giữ vai trò chủ thể trên toàn bộ khu đất. Các giải pháp kiến trúc, kỹ thuật phải đáp ứng công năng sử dụng của Bảo tàng và chức năng công trình. Kiến trúc được thiết kế hiện đại, đồng thời phải mang bản sắc Văn hóa VN.
Trong tương lai, Bảo tàng lịch sử Quốc gia sẽ là công trình Văn hóa lớn và hiện đại mang tính công trình Thế kỷ của VN, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát huy di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời là nơi tham quan cho nhân dân trong nước và khách du lịch.
| Phương án hình Trống đồng |
|
|
Theo Trọng Quang - Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: