Top

Phố cổ Hà Nội vẫn chờ tôn tạo

Cập nhật 22/05/2010 13:15

Giorgio Parodi - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Genova- Italia kể rằng, ông bị Hà Nội “mê hoặc” bắt đầu bằng một bài viết về Hà Nội, về Ô Quan Chưởng đăng tải trên một tờ báo lớn ở Italia. Chính hình ảnh về phố cổ, về Ô Quan Chưởng đã thôi thúc ông đến với Hà Nội, và với kinh nghiệm cải tạo và bảo tồn thành phố cổ Genova 20 năm trước, Đại sứ quán Italia và Hội Kiến trúc sư Genova đang có những nghiên cứu cho việc đề xuất cải tạo phố cổ Hà Nội.


Phố cổ Hà Nội đang chờ được tu bổ từng ngày

Kinh nghiệm “hồi sinh” từ Genova


Genova là thành phố cổ, lớn thứ nhì của Italia, nơi được nhiều du khách đánh giá là “đáng để đi xem”. Với những di sản như Cung điện Mannerist, Nhà thờ Thánh Lorenzo, Bảo tàng nghệ thuật phương Đông, cảng cổ Genova - nơi có ngọn hải đăng từ thời cổ đại, cùng các khu phố cổ... năm 2006, UNESCO đã chính thức công nhận nơi đây là Di sản văn hóa thế giới. Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Genova - Giorgio Parodi để Genova huy hoàng như hôm nay, cả chính quyền lẫn người dân đã phải mất 20 năm nỗ lực tôn tạo và bảo tồn...

Bắt đầu từ sau Thế chiến thứ 2, các giải pháp tu bổ thành phố cổ này đã được đặt ra, nhưng rồi chưa ai trả lời được câu hỏi: “bảo tồn cái gì?” và “bảo tồn như thế nào?”. 20 năm trước Genova cũng phải đối mặt với những vấn đề hệt như phố cổ Hà Nội bây giờ, tức là… đau đầu để tìm ra kế sách hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo tồn nhưng phải nâng cao hơn nữa điều kiện sống cho người dân. Và chìa khóa cho sự thành công của Genova chính là “sự ủng hộ tích cực của người dân”. Không bảo tồn toàn bộ cả thành phố, chính quyền này chỉ chọn ra có 48 công trình cổ có giá trị nhất đưa vào danh sách đặc biệt. Số còn lại tùy theo giá trị kiến trúc mà có những biện pháp hỗ trợ khác nhau.

Có những con phố, người dân tự bỏ tiền ra tu bổ, bởi họ nhận thức được rằng, việc bảo tồn này mang lại lợi ích cho họ thông qua phát triển du lịch. Công việc tu bổ Genova khá kỳ công, rồi tu bổ đến đâu, xây dựng cơ sở dữ liệu đến đó. Ngay cả các hộ gia đình tự bỏ tiền ra cải tạo cũng phải theo “chuẩn” và sự giám sát của chính quyền thành phố, Hội Kiến trúc sư. Tất cả hồ sơ cải tạo nhà sau đó phải được lưu trong trung tâm dữ liệu phố cổ. Để trả lại cho Genova vẻ cổ kính như nó vốn có các nhà máy, xí nghiệp trong thành phố đều phải di chuyển sang nơi khác... Genova đã thực sự trở thành một bảo tàng sống bởi vẫn bảo đảm được cuộc sống cho người dân, các nghề thủ công truyền thống, các quán bar mang dáng dấp xưa vẫn hoạt động trong lòng phố cổ.

Ngẫm chuyện bảo tồn phố cổ Hà Nội

Khi đánh giá về giá trị của khu phố cổ Hà Nội, tất cả các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều có chung nhận định rằng, đây chính là khu phố đặc trưng với cấu trúc đô thị cổ phong kiến. Dù đã qua cả chặng đường phát triển dài với bao thăng trầm, nhưng vẫn giữ được tổng thể. Nhưng rồi, gần 20 năm qua, Hà Nội vẫn cứ loay hoay tìm đường bảo tồn phố cổ, càng bàn càng... rối, bởi chúng ta còn lúng túng giữa việc gắn kết không gian tổng thể với từng kiến trúc đặc trưng. Ngay cả việc thống kê có bao nhiêu ngôi nhà cổ thực sự có giá trị để đưa vào danh sách bảo tồn mà số liệu mỗi năm một khác. Hay như việc đơn giản hơn là thống kê các di tích ở khu phố cổ thôi vẫn rất lúng túng, mỗi năm một con số, năm 1995 chỉ có 24 di tích, nhưng đến 2008 con số này đã lên tới 104 và năm 2009 vừa qua, con số thống kê đã là 121 di tích cần được bảo tồn tại đây.

Theo gợi ý của các kiến trúc sư đến từ Genova, việc bảo tồn phố cổ cần có sự kết hợp tổng thể giữa không gian chung, giữa cái vật thể và phi vật thể như lễ hội, không gian sống... giữa kiến trúc truyền thống kết hợp khai thác các yếu tố mới. Bên cạnh đó, tuân thủ theo các tiêu chí như: Giữ gìn hình dáng kiến trúc; Bảo tồn di tích; Giữ hình ảnh phong cách kiến trúc cổ; Cải tạo hạ tầng, thí điểm làm một vài nhà, một vài ô phố, tuyến phố…

Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, một số vấn đề mà các KTS người Italia đưa ra Hà Nội đều làm, cũng có cái thành công. Nhưng cái mà chúng ta thiếu đó là chưa huy động được sự tham gia của người dân - chủ thể của phố cổ vẫn cứ đứng “ngoài cuộc” với tất cả các dự án từ trước tới nay.

Bắt đầu từ năm 1995, Hà Nội bàn tới chuyện bảo tồn phố cổ. Cũng từ đó cho đến nay, không biết đã có bao nhiêu dự án, bao nhiêu quy hoạch cho nơi này được xây dựng. Nếu tính nhẩm, cũng đã có hàng chục quốc gia tham gia giúp đỡ, đề xuất ý tưởng để cải tạo phố cổ Hà Nội. Nhưng rồi, vẫn chỉ dừng trên giấy... bởi tất cả những quy hoạch phố cổ trước đây đều đi chậm hơn so với sự phát triển của xã hội một nhịp, dẫu có nhiều văn bản pháp quy, nhưng việc tu bổ, tôn tạo phố cổ Hà Nội vẫn thiếu một hành lang pháp lý cụ thể. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sắp tới với việc xây dựng quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cùng với sự ra đời của Luật Thủ đô chắc chắn sẽ rộng đường cho việc cải tạo phố cổ.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô