Phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp dường như đang thổi luồng sinh khí mới vào thị trường BĐS khi giá căn hộ tăng lên từng ngày, khách hàng phải trả tiền chênh hàng trăm triệu để sở hữu căn hộ.
Nhà ở xã hội tăng giá vù vù, loạn giá chênh nhà thu nhập thấp
Theo khảo sát, thời gian gần đây giá bán nhà ở xã hội (NOXH) tại Hà Nội đã đắt dần lên, đắt ngang ngửa với một số dự án nhà ở thương mại, thậm chí có dự án còn đắt hơn nhà thương mại tới 6 triệu đồng/m2.
Cụ thể, dự án NOXH tại 143 Trần Phú (Hà Đông) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà – SDU (thuộc Tổng Cty Sông Đà) làm chủ đầu tư có giá tạm tính tới hơn 16 triệu đồng/m2 (tính cả thuế, phí bảo trì).
Nếu so sánh vị trí và giá cả của dự án này với một số dự án khác cùng khu vực thì có thể nhận thấy dự án NOXH này có giá không hề rẻ. Đơn cử, cùng khu vực này, dự án chung cư Viện 103 Văn Quán đang được rao bán trên thị trường từ 13,9 – 14,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT và 2% phí bảo trì).
Dự án chung cư thương mại ở 110 Trần Phú hiện đã xây xong thô và đang bán với giá từ 18 – 18,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT).
Dự án NOXH 30 Phạm Văn Đồng có giá tạm tính ở mức 14,8 – 14,9 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, một số dự án khác như dự án NOXH tại 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) do Cty CP Đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư, có giá tạm tính ở mức 14,8 – 14,9 triệu đồng/m2. Cùng với một số dự án khác sắp ra mắt thị trường cũng đang dự tính mức giá 14 -15 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, một số dự án nhà thu nhập thấp hiện nay cũng đang bị loạn giá chênh.
Dự án VP6 Linh Đàm có giá bán chỉ khoảng 13 triệu đồng/m2, diện tích 45-91m2. Tuy nhiên, chủ đầu tư không bán căn hộ đến tận tay khách hàng mà bán cả sàn hoặc cả “gói” từ chục căn trở lên nên người có nhu cầu buộc phải mua qua tay người khác với mức chênh lệch ít nhất 50 triệu đồng/căn.
Trước đó, chung cư VP5 của DN này cũng gây sốc khi khách hàng buộc phải trả tiền chênh lệch 100-300 triệu đồng mới được sở hữu một căn hộ mang tiếng là nhà thu nhập thấp.
Không chỉ sốt ở phân khúc nhà ở giá thấp, chung cư cao cấp ở Hà Nội cũng đang sốt nhẹ trở lại.
Xu hướng quay lại thị trường của một bộ phận nhà đầu tư cùng hiện tượng loạn giá căn hộ chung cư cho thấy thị trường BĐS đang ấm dần lên.
Ngân hàng do dự với 50.000 tỷ cứu BĐS
Khi gói tín dụng 30.000 tỷ vẫn “trầy trật” giải ngân thì từng bước đi của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được nhiều người đón đợi. Với cấu trúc sản phẩm khép kín “4 nhà”, đây là sản phẩm tín dụng mà các ngân hàng ký hợp đồng liên kết với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng để kiểm soát dòng vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình này không giới hạn quy mô. Tuy nhiên, đến nay, 8 ngân hàng đã cam kết cho vay 50.000 tỷ đồng.
Theo ông Phan Thành Mai – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), khi tham gia chương trình tất cả các bên (Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà tổ chức cung ứng SX VLXD, Ngân hàng) sẽ cùng ký kết trên 1 hợp đồng. Các doanh nghiệp có khoản nợ ở các ngân hàng khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.
Trao đổi về gói hỗ trợ này, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có vẻ một số ngân hàng vẫn còn do dự bởi những băn khoăn về chuyện phối hợp giữa các đơn vị với nhau không đồng bộ.
Khi thị trường BĐS đang gặp khó khăn thì bất kỳ gói hỗ trợ nào được “rót” vào thị trường đều là đáng quý. Nhưng vấn đề là hiệu quả đến đâu đặc biệt khi nhìn vào gói tín dụng 30.000 tỷ. Sau gần 1 năm giải ngân gói tín dụng này mới chỉ đạt khoảng 4%.
Cũng phải nói thêm rằng, gói 50.000 tỷ có những điểm khác với gói 30.000 tỷ đã và đang triển khai nhưng dù phương thức thực hiện ra sao thì mục tiêu vẫn là vực dậy thị trường BĐS đã nguội lạnh bấy lâu. Dù đặt ra nhiều băn khoăn thị trường vẫn kỳ vọng 50.000 tỷ sẽ có lối đi riêng không lạc vào vết xe cũ của gói 30.000 tỷ đang “sa lầy”.
Tiền tỷ đổ vào ống nước Vinaconex trôi ra sông
Mỗi lần vỡ ống nước sông Đà gây thiệt hại hàng tỷ đồng và tiêu tốn rất nhiều tiền cho công tác khắc phục, sửa chữa. Số tiền đó ai sẽ phải chịu trách nhiệm hay trăm dâu lại đổ đầu dân?
Trong khi các cơ quan vẫn đang loanh quanh với những nguyên nhân khiến đường ống bị vỡ thì một thực tế là mỗi lần vỡ như thế đời sống sinh hoạt của hàng vạn người dân bị rơi vào cảnh khốn đốn. Những thiệt hại bước đầu về kinh phí sửa chữa đường ống đã được Vinconex đưa ra nhưng những thiệt hại của người dân đã bao giờ được tính đến.
Trong những ngày mất nước, nhiều gia đình phải mua nước sạch từ nhiều nguồn khác để sử dụng. Như vậy, dẫu có ký hợp đồng được cung cấp nước sạch với công ty nước sạch Vinaconex thì người tiêu dùng vẫn không thể nhận được một sự bảo đảm nào về việc sẽ được cung cấp đầy đủ nước sạch để sử dụng.
Thực tế, các công ty cấp nước Hà Nội đang có tỷ lệ thất thoát rất lớn, Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2012, tỷ lệ thất thoát nước tại Hà Nội trên 30%.
Hiện, Viwaco cung cấp khoảng 200.000m3 nước/ngày đêm. Với tỷ lệ thất thoát như trên, nếu tính đơn giá nước sạch (cho 10m3 đầu tiên) của năm 2012 là 3.478 đồng/m3, Viwaco mất 208 triệu đồng/ngày đêm (mỗi năm hơn 76 tỷ đồng).
Nếu tính thêm cả 4 lần sau đó đường ống bị vỡ (vào năm 2013 và 2014), với đơn giá nước tăng từ tháng 10/2013 (tăng lên 4.172 đồng/m3), số tiền do thất thoát nước gây ra còn lớn hơn rất nhiều.
Cũng không phải không có lý do khi người dân đưa ra những băn khoăn mỗi lần ống vỡ lại “ngốn” cả tỷ đồng, số tiền đó ở đâu ra? Tiền ngân sách? Tiền bổ đầu vào giá thành mỗi m3 nước để người tiêu dùng “đỡ” hộ?
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: