Top

Nông dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp: Khó tiếp cận nguồn hỗ trợ

Cập nhật 12/08/2009 15:15

Nếu được đào tạo nghề, người dân sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm. (Ảnh: Chí Cường)

Tình trạng nông dân sau khi bị thu hồi đất không có việc làm và những hệ lụy không dễ giải quyết cũng đang khiến các ban, ngành của Hà Nội đau đầu tìm phương án.

Một trong các giải pháp chính là sự ra đời của Quỹ hỗ trợ nông dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng sau gần 8 tháng thành lập, chưa hề có người nông dân nào được nhận tiền hỗ trợ từ quỹ này.

Mức hỗ trợ chưa hấp dẫn

Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được thành lập từ tháng 12/2008 với một loạt các chính sách nhằm tạo điều kiện để người nông dân ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Hà Nội xác định mục đích là hỗ trợ việc học tập, học nghề, trợ cấp khó khăn cho những người nông dân. Theo quy định này, những đối tượng dưới 25 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ học văn hoá 1 lần. Những người trong độ tuổi lao động từ 15 - 60 tuổi đối với nam và từ 15 - 55 tuổi đối với nữ, có hộ khẩu Hà Nội sẽ được hỗ trợ học nghề. Mức hỗ trợ chi trả học phí học nghề sẽ tuỳ theo các cấp trình độ đào tạo nghề nhưng tối đa không quá 6 triệu đồng/thẻ học nghề/khoá học; thời gian hỗ trợ không được vượt quá thời hạn sử dụng của thẻ học nghề là 5 năm.

Nhưng sau gần 8 tháng thành lập, đến nay vẫn chưa có hộ nông dân nào tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này. Một loạt người nông dân ở các xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), An Khánh (huyện Hoài Đức) và 4 xã từ Hoà Bình sáp nhập về Hà Nội... bị thu hồi trên 30% đến 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhưng dường như họ lại không quan tâm nhiều đến khoản hỗ trợ này.

Gia đình anh Hoàng Quốc Vũ (ở xóm Gò Mè, xã Tiến Xuân, Quốc Oai) giờ không còn mảnh đất nào để cày cấy, phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn trong nhà. Khi được hỏi về quỹ hỗ trợ của thành phố, anh Vũ cho biết, bản thân anh thì phải đi làm thuê suốt ngày để kiếm tiền nuôi cả nhà, bây giờ đi học nghề thì nhà anh sẽ “chết đói”.

Chị Nguyễn Thị Hương (ở An Khánh, Hoài Đức) cũng cho rằng có quá nhiều thủ tục như giấy chứng nhận thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất, phải có một loạt các loại chữ ký xác nhận... trong khi mức hỗ trợ cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng một năm. Nhiều hộ nông dân bị thu hồi từ 30% đến 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), phường Việt Hưng (quận Long Biên) và các địa bàn khác cũng trong tình cảnh tương tự.

Thủ tục nhiều, trong khi mức hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn, nên không nhiều người mặn mà lắm với chính sách hỗ trợ này. Nhiều ý kiến còn cho rằng, với mức hỗ trợ 6 triệu đồng, khó có thể thành một thợ lành nghề được.

Tránh “luẩn quẩn” cho dân?


Thực tế, một loạt các quy định chặt chẽ như phải bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; các hộ, cá nhân phải có giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 hoặc được UBND cấp xã xác nhận là đất sử dụng trước ngày 15/10/1993... đã làm nản lòng không ít người nông dân bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, việc đặt ra một loạt các quy định chặt chẽ như vậy không phải là không có nguyên do. Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho hay, mục đích của quỹ để giúp người dân có nguồn thu nhập lâu dài, tránh tình trạng dùng hết tiền để mua sắm như khi được chi trả trực tiếp tiền đền bù và sau đó luẩn quẩn trong tình trạng không nghề nghiệp, tiền hết, đất hết. Hiện có gần 300 hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng đến nay chưa một hồ sơ nào được duyệt.
 

Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Đỗ Thị Xuân Phương: Tới đây, Hà Nội sẽ tăng cường các phiên giao dịch việc làm giúp người dân có công việc ổn định... (Ảnh: Chí Cường)


Nguyên nhân được ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho hay, do thiếu các giấy tờ liên quan đến quyết định thu hồi đất để cơ quan chức năng đối chiếu kiểm tra. Trước thực trạng này, Sở LĐ,TB&XH cũng đã đến các quận, huyện để đối chiếu kiểm tra hồ sơ nhưng nhiều địa phương không thể tìm được giấy tờ lưu trữ gốc để đối chiếu.

Cũng liên quan đến hỗ trợ người dân, một loạt các đề án, chính sách khác cũng gặp vướng mắc khi đưa vào thực tế, như Quyết định 30 của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động rất khó tiếp cận. Bà Đỗ Thị Xuân Phương cho rằng, chính sách nên mở rộng đối tượng như hỗ trợ lao động bị mất việc năm 2008 chứ không chỉ bó hẹp trong năm 2009. Vì chỉ tính riêng Hà Nội, trong số 367 doanh nghiệp báo cáo thì có tới 25.000 người mất việc và thiếu việc của năm 2008.

Trong khi đó, dự kiến năm 2009 chỉ khoảng 9.000 người. Chưa kể, hiện việc tính lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người lao động học nghề, tạo việc làm bằng 0,65%/ tháng là chưa hợp lí vì doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất kinh doanh nếu được vay có sự hỗ trợ 4% của Chính phủ thì chỉ còn 6-7%/năm (tương đương 0,55 - 0,65% tháng).

Trong khi đó, nói là ưu đãi học nghề, hỗ trợ doanh nghiệp mà lãi suất vẫn cao hơn mức 0,6% là chưa hợp lí. Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho người nông dân bị thu hồi đất và lao động bị mất việc, bà Phương cho biết, sẽ tăng cường các phiên giao dịch việc làm từ 1 phiên lên 2 phiên/tháng nhằm giúp người nông dân sau khi học nghề tiếp cận dễ hơn với các cơ hội việc làm tại doanh nghiệp.


DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình