"Dự án nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất có tầm quan trọng, giải quyết tình thế, là bước đệm quan trọng để có sân bay Long Thành".
* Vừa qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã lên tiếng cho rằng, nếu 10 năm tới, cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đi vào khai thác thì sân bay Tân Sơn Nhất phải mở rộng tối đa để có thể đáp ứng công suất hoạt động. Thủ tướng cũng đã vừa đồng ý với kế hoạch nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT. Việc mở rộng cảng sân bay này, nhằm đạt mục đích gì, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: - Mục đích lớn nhất của việc nới rộng cảng sân bay này là thực hiện dự án quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng chính phủ thông qua.
Bên cạnh đó, vì hiện nay công suất thông qua của sân bay này chưa đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách.
Vào năm 2013, Tân Sơn Nhất đã đón hơn 20 triệu lượt khách. Hai tháng đầu năm nay, thị trường hàng không tiếp tục tăng cao ở con số 23%. Chỉ đến năm 2015, Tân Sơn Nhất sẽ quá tải ngay cả khi đã được mở công suất cực đại theo thiết kế.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam
|
Vì vậy, phải mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đúng quy hoạch để giải quyết ngay vấn đề trước mắt. Việc quy hoạch mở rộng sẽ giúp đưa năng lực khai thác đạt được năng suất như quy hoạch.
*
Trong dự án quy hoạch của Thủ tướng chính phủ phê duyệt, những hạng mục nào sẽ được tiến hành xây dựng, phát triển ngay thời điểm này?
Dự án này nhằm xây dựng nhiều hạng mục, trong đó cụ thể:
Một là, phải tạo đường lăn 2 chiều nối từ đường lăn song song vào trong bãi đỗ rộng. Hiện có 2 đường cất hạ cánh nhưng chỉ có duy nhất một đường cho máy bay di chuyển 2 chiều ra đường băng.
Đây được ví là “nút cổ chai” của sân bay Tân Sơn Nhất. Vào những ngày cao điểm, máy bay đi từ Tân Sơn Nhất phải xếp hàng trong sân đỗ chờ “nút cổ chai” thông thoáng mới ra được đường băng. Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất dù đúng giờ cũng phải đỗ lại ở vị trí đài không lưu cũ, chờ từ 5-10 phút mới có đường vào sân ga trả khách. Do đó xây một đường lăn song song với đường lăn hiện tại để máy bay có đường vào/ra riêng biệt thì sẽ hết tắc nghẽn.
Hai là, phải đạt được công suất 25 - 26 triệu hành khách. Để đạt được công suất như vậy, thì phải có hệ thống sân đỗ đủ. Trong khi, sân đỗ hiện nay chỉ có 41 vị trí mà để đáp ứng đủ lượng khách kia thì phải tăng lên trên 60 vị trí đỗ.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao đất cho Tổng cảng hàng không thực hiện kế hoạch đó, tổng số đất bàn giao khoảng 7,63 ha. Tổng cảng cũng bỏ thêm quỹ đất của mình, với tổng số diện tích có được thì sẽ tăng lên được thêm hơn 20 sân đỗ nữa.
Ba là, về nhà ga, Tổng cảng sẽ cải tạo nhà ga hành khách nội địa, nối dài để tăng năng lực phục vụ thêm 3 triệu hành khách/năm, đạt công suất 13 triệu khách/năm, cuối năm nay đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, là nhà ga hành khách quốc tế mới, công suất thiết kế là khoảng 8 - 10 triệu hành khách/năm, tiếp tục kéo dài nhà ga đó, sẽ có thêm 2 cầu ống, như vậy tăng công suất đạt 13 triệu, như vậy tổng số 2 nhà ga là 26 triệu hành khách/năm.
Tất cả, đều cố gắng để hoàn thành quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất theo quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt.
*
Kế hoạch nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được xây dựng bao lâu rồi, hay mới được đề cập tới, thưa ông?
Kế hoạch này đã có từ trước, rất lâu rồi, nhưng việc thực hiện, đầu tư xây dựng thì phải tiến hành theo từng giai đoạn và bản thân việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng nằm trong dự án nhà ga Tân Sơn Nhất nhưng chia giai đoạn.
Nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất là thực hiện đúng dự án quy hoạch
Nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất là thực hiện đúng dự án quy hoạch
|
Giai đoạn đầu tiên thực ra đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2010, bây giờ, đang tiếp tục tiến hành thực hiện giai đoạn 2 là mở rộng ra.
*
Để nói về những yếu tố sẽ đạt được của dự án nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thì phải nhắc đến yếu tố nào, thưa ông?
Nói đến Tân Sơn Nhất thì phải nhắc đến tổng thể hạ tầng và vùng trời. Vì sân bay này chịu ảnh hưởng bởi cả năng lực khai thác vùng trời sân bay.
Thứ nhất, về vùng trời, sân bay này nằm trong thành phố, thậm chí bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào sân bay Biên Hòa, vừa rồi các cơ quan Bộ GTVT, Cục hàng không, Bộ Quốc phòng đã làm việc thống nhất đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn để tiếp tục mở rộng năng lực thông qua vùng trời sân bay này.
Để nói về những yếu tố đạt được, thì phải nói đến: Thứ nhất, sẽ đạt được công suất theo quy hoạch, 25 triệu hành khách/năm.
Thứ hai, giảm tắc nghẽn cho sân bay, cả trên trời và dưới mặt đất, vì đây chính là chất lượng chủ yếu của cảng hàng không. Hiện nay có những chuyến tàu bay phải đợi trên đường băng, hay trên trời từ 15 - 20 phút, gây ảnh hưởng đến chất lượng chuyến bay.
Thứ ba, mở rộng diện tích, cơ sở vật chất, thì chất lượng nhà ga sẽđược tăng lên.
*
Có nhiều ý kiến lên tiếng cho rằng, tại sao không đẩy mạnh việc xây dựng sân bay Long Thành để giảm tải số lượng hành khách cho Tân Sơn Nhất. Việc nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất, có phải không ưu ái cho chủ trương xây dựng sân bay mới?
Đây không phải vấn đề phát sinh mà quy hoạch xây dựng cảng sân bay Tân Sơn Nhất có từ năm 1997.
Hiện nay, chúng ta chỉ đang thực hiện các giai đoạn theo quy hoạch. Đồng thời, theo quy hoạch, thì sẽ có sân bay Long Thành trong dự án. Long Thành là điểm quyết định chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng hàng không.
Dự án nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất có tầm quan trọng, giải quyết tình thế, là bước đệm quan trọng để có sân bay Long Thành.
Theo dự báo của chúng tôi thì với tốc độ như hiện nay thì 10 năm sau sẽ có sân bay Long Thành. 10 năm đó nên làm gì, dĩ nhiên vẫn phải thực hiện dự án theo quy hoạch, phải làm sao đảm bảo tăng trưởng của hàng không đến khi có Long Thành vào khai thác.
Bởi vì, Long Thành là điểm chiến lược trong kết cầu hạ tầng ngành hàng không. Nhưng ở đây vẫn chỉ là vấn đề mang tính chiến lược để phục vụ phát triển vùng kinh tế chiến lược phía Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: