Top

Nhộn nhịp mua bán nhà trọ

Cập nhật 12/01/2014 09:01

Trong lúc thị trường địa ốc TPHCM tiếp tục trầm lắng, một dòng chảy ngầm khác vẫn đang âm thầm chuyển động. Đó là thị trường mua bán nhà trọ dành cho người ít tiền.

Khu nhà trọ cũ nát

Tại các quận huyện vùng ven TPHCM, nhất là khu vực gần trung tâm, giáp khu công nghiệp, trường đại học…luôn có hàng ngàn nhà trọ. Người thuê là người lao động, sinh viên, các cặp vợ chồng trẻ làm việc trong các văn phòng, công ty…Sau một thời gian ở thuê, nhiều người bắt đầu nghĩ tới việc “an cư” bằng cách dành dụm, vay mượn thêm gia đình, họ hàng, bạn bè mua một căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống.

Khoảng một năm trở lại đây, chính quyền địa phương quản lý chặt việc phân lô, xây dựng trái phép nên nguồn cung đất nền bị đóng băng. Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phá sản…nên nguồn tiền trong dân cũng bị teo tóp, thành thử người có nhu cầu chuyển qua mua nhà trọ. Diện tích nhà trọ thông thường ở các quận vùng ven dao động trong khoảng 10 - 15m2.

Từ thuê đến “thụt”

Chị Trần Thị Hồng Châu là nhân viên kế toán Công ty xây dựng Yên Nhân, có thâm niên ở thuê từ khi còn là sinh viên đại học đến nay được gần 8 năm. Những năm đầu chị thuê, trả tiền hằng tháng. Hai năm trở lại đây, chị lập gia đình, có con nhỏ, dành dụm được ít tiền nên chị chuyển qua “thụt” vì thấy lợi hơn. “Thụt” nghĩa là đưa chủ nhà một khoản tiền trong vòng một năm. Chủ nhà có quyền sử dụng số tiền đó và người thuê nhà được quyền sử dụng nhà. Hết thời hạn, chủ nhà trả lại tiền và người thuê trả lại nhà.

Sau khi sửa, chủ nhà bán cho chị Trần Thị Hồng Châu giá 310 triệu đồng

Trường hợp của chị Châu là đưa chủ mượn 150 triệu đồng để cả gia đình ở trong căn nhà trọ diện tích sàn 17m2 có gác xép tại khu phố 6 phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Nếu thuê thì chị phải trả 1,7 triệu đồng/tháng. Chủ nhà là người xây nhà trọ cho thuê, nhưng nếu người ở muốn mua thì họ cũng bán. “Tôi định ra Tết dành dụm thêm ít tiền rồi sang lại. Căn nhà đẹp, hẻm cụt yên tĩnh nên chủ nhà đòi 310 triệu đồng, hai vợ chồng đến Tết này gom được gần 100 triệu, nếu cộng tiền “thụt” thì chỉ còn phải vay thêm vài chục triệu nữa” , chị Châu nói.
Là “thợ hồ” lái xe đóng cừ tràm cho vựa kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng, 32 tuổi, quê ở Vĩnh Long, hiện là “chủ sở hữu” căn nhà trọ rộng 3m sâu gần 4m đầu hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè với giá 95 triệu đồng. Anh Hùng tâm sự, công việc lúc có lúc không, nhiều lúc không có trả tiền nhà. Nên khi dành dụm được ít tiền, vợ chồng anh quyết định mua căn nhà trọ để ở. Ban đầu, căn trọ chỉ là căn nhà xập xệ, tôn nát, ngoài đường cao hơn trong nhà, không có gác. Vợ chồng anh bỏ công sức sửa sang lại, tốn hết 15 triệu đồng.

Tân trang nhà nát

Anh Hùng bảo, thực ra anh bán một căn nhà trọ rồi. Anh thuê, sau thấy chỗ ở “cũng hạp”, làm ăn được, nên tính mua để ở, sau này nếu về quê bán cũng lấy lại vốn. Đầu tháng 6/2013 anh mua một căn nhà trọ khoảng 12m2 gác gỗ giá 120 triệu đồng. Cách nay một tháng, chủ nhà sang tên cả dãy nhà trọ. Chủ mới mua lại 147 triệu đồng, coi như ở miễn phí mấy tháng lại thêm ít tiền dằn túi.

Nhu cầu mua những căn nhà nhỏ, giá rẻ như anh Hùng, chị Châu rất nhiều. Nắm bắt nhu cầu của người dân, nhiều nhà đầu tư đã vào cuộc. Chị Hồ Thị Thanh Hà, gốc Thanh Hóa, là một nhà đầu tư như vậy ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Chị chuyên mua lại các nhà trọ cũ, nát, xin giấy phép sửa chữa để nâng cấp, làm mới, đầu tư thêm nội thất, gắn đồng hồ điện, nước…rồi bán lại. Mỗi căn sau khi đầu tư, chị lời khoảng 50-60 triệu đồng. Giá trung bình một căn nhà trọ ven thành phố trên dưới 200 triệu đồng là phù hợp với túi tiền của đa số người có nhu cầu. Do nguồn cung đất nền giá rẻ khan hiếm, đất nền đủ điều kiện xây dựng thì đắt, trong khi nhu cầu chỗ ở, nhất là chỗ ở giá rẻ vẫn ngày một tăng thì thị trường nhà trọ lại càng thu hút sự quan tâm của người mua, đặc biệt là vợ chồng trẻ.

Chị Hà cho biết vừa mua được lô nhà trọ gồm 3 căn, diện tích 9x4m = 36m2 với giá khá hời 210 triệu đồng, có sẵn đồng hồ điện, nước chính gắn từng phòng. Nhà trọ nằm trên đất quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, có sổ hồng, số nhà quận nên có thể xin giấy phép xây dựng. Sau khi sửa sang theo thiết kế, tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng, chị bán 150 triệu đồng/căn…Năm nay chị Hà bán hơn 20 căn nhà trọ cho khách hàng. Tất cả đều bằng giấy tay. Tuy nhiên vì có ít tiền nên người mua đều tặc lưỡi cho qua, chấp nhận rủi ro. Theo họ, với số tiền ít ỏi thì thay vì thuê nhà hoặc “thụt” nhà, họ “mua” một căn nhà trọ, sau này nếu cần cũng dễ dàng bán lại.

Sau khi sửa, chủ nhà bán cho chị Trần Thị Hồng Châu giá 310 triệu đồng Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Văn phòng luật sư Lý Đại Long) cho biết, việc mua bán nhà đất bằng giấy tay không đúng theo các quy định của pháp luật, nên dễ xảy ra rủi ro cho cả người mua lẫn người bán. Khi xảy ra tranh chấp thì hợp đồng vô hiệu. Nguyên tắc giải quyết hợp đồng vô hiệu là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên mua trả nhà, bên bán trả tiền. Không phải dễ giải quyết khi mà căn nhà đã bán sang tay nhiều người.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong