Top

Nhiều năm vẫn... câu chuyện cũ!

Cập nhật 03/11/2009 14:30

Trên địa bàn TPHCM hiện có hơn 3.400 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang còn hiệu lực, số vốn đăng ký cũng gia tăng. Hiện nay TP có nhiều “khu đất vàng” đang kêu gọi đầu tư. Hoạt động thu hút đầu tư nghe qua rất hấp dẫn với con số vốn đăng ký khổng lồ. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn trong thời gian qua gần như bị ách.

Nhiều dự án khổng lồ nhiều năm vẫn nằm “ngủ yên”. Cụ thể là dự án khu Đại học quốc tế (Hóc Môn) đến nay đã 3 năm nhưng chỉ mới giải ngân vài “phần trăm” vốn. Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam ở “khu đất vàng” Hồ Kỳ Hòa nằm ngay trung tâm thành phố đã hơn một năm kể từ ngày cấp phép thì nay vẫn là… làng nhậu!

Để tháo gỡ, khơi thông đồng vốn FDI, Bộ Tài chính cùng UBND TPHCM đang triển khai chọn điểm, tháo gỡ khó khăn cho khoảng 50 doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn TP. Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Nhưng nhìn qua nguyên nhân vướng mắc của các doanh nghiệp thì hầu hết đều vướng ở việc… giải tỏa di dời. Nghĩ thấy buồn, câu chuyện cũ về vướng giải tỏa đền bù nhiều năm qua vẫn còn nóng.

Nếu nhà nước bảo vệ người dân bằng cách quy định mức “giá sàn” thì việc bỏ trống “giá trần” lại là điểm khó cho doanh nghiệp. Một chủ doanh nghiệp kể một câu chuyện buồn cười như sau: anh khảo sát khu đất đồi tại một tỉnh với dự tính bồi thường khoảng 100 triệu đồng/ha, khi được tỉnh chấp thuận địa điểm, anh vòng ra Hà Nội làm hồ sơ dự án.

Sau một năm hồ sơ hoàn chỉnh, anh quay trở về thì nhiều nhà đầu cơ đã mua lại khu đất đó và “làm giá” tăng gấp… 10 lần so với giá ban đầu. Vì vậy, cách cuối cùng anh chọn là… bỏ chạy, vì không có khả năng giải tỏa đền bù.

Câu chuyện đó đang nổi cộm trên thực tế nhiều năm qua có nhiều nhà đầu cơ chuyên săn dự án, mua đất của dân bằng “giấy ủy quyền vô thời hạn”, rồi cầm tờ giấy đó “bắt chẹt” chủ đầu tư phải mua lại với giá cao.

Do vậy câu chuyện “thỏa thuận giá” là chuyện dài nhiều tập của chủ đầu tư. Hiện nay, có rất nhiều dự án mà qua mỗi năm báo cáo thì phần khó khăn vướng mắc vẫn là… đền bù giải tỏa.

Đã đến lúc nhà nước cần có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Nếu không, việc cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho 50 doanh nghiệp “điểm” cũng sẽ chỉ là chuyện manh mún. Cái còn lại đằng sau các dự án đang bị ách tắc là lãng phí tài sản nhà nước, những khu đất vàng chậm trở thành hiện thực để có thể mang lại giá trị gia tăng cho xã hội.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng