"Chuyện bảo trì, khai thác nhà giá thấp thế nào sau này chưa thấy nói đến. Vì làm không khéo thì phí bảo hành sẽ tăng lên gấp 5 gấp 10 lần so với chi phí ban đầu". Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Bộ Xây dựng) cảnh báo.
Ông Nguyễn Trường Tiến cũng cho rằng: Trong dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá thấp chưa thấy đề cập tới việc áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo chất lượng cho công trình giảm giá thành thi công.
"Ít nhất thì đề án cũng phải định hướng rõ xây bao nhiêu tầng, căn hộ bao nhiêu m2, bao nhiêu tiền là hợp lý nhất, công nghệ gì ... để doanh nghiệp cân nhắc mà tham gia", ông nói.
Xây không khéo, phí bảo dưỡng gấp ... 10 tiền xây
* Bộ Xây dựng đã tính toán mức giá ra là 6 triệu đồng/m2 đối với nhà giá thấp và 4 triệu đối với nhà ở xã hội rồi đấy, thưa ông?
- Chúng ta có thể hiểu mức giá mà Bộ Xây dựng đưa ra dựa trên một số dự án mà các DN đã làm nhưng các nhà đó không giống nhau.
Mức cao là 6 triệu đồng/m2 còn mức thấp chỉ có 4 triệu đồng/m2, nhưng gồm những gì? Là m2 ở hay m2 sàn? Làm xây dựng ông phải hiểu có những thứ chủ đầu tư chỉ có thể bán được m2 ở còn cầu thang, lan can, tầng hầm..., họ đâu có thể bán được?!.
Vinaconex có công nghệ của họ, Contrexim có công nghệ riêng... và mỗi dự án nhà ở mỗi vùng cũng khác nhau, giá nhà ở Xuân Mai không phải là nhà ở khu Mỹ Đình, hay không phải là nhà ở TP.HCM.
* Nếu không căn cứ vào giá thành xây dựng, vậy theo ông, để các công trình đạt được chất lượng tốt thì cần tính trên cơ sở nào?
- Vấn đề đặt ra là Bộ Xây dựng phải đưa ra những mô hình chuẩn, thiết kế chuẩn, kỹ thuật chuẩn và vật liệu chuẩn. Nếu không có chuẩn mực này thì sẽ không tính nổi giá là bao nhiêu.
Vậy thì mỗi địa phương nên chuẩn bị những dự án mẫu cho loại nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp rồi sẽ phân tích nhà ở đó phù hợp nhất đối với loại vật liệu gì, thiết kế gì để triển khai.
Mặt khác, chúng ta mới tính đến chuyện làm ra các chung cư đó, còn câu chuyện bảo trì, khai thác nó thế nào sau này thì chưa thấy nói đến. Mà nếu làm không khéo thì chi phí sử dụng bảo hành ít nhất tăng lên 5 lần thậm chí 10 lần so với chi phí ban đầu.
Đơn cử, nếu chúng ta xây công trình 4 triệu đồng/m2 thì thử hỏi trong 20 năm biết bao nhiêu lần chúng ta phải duy tu, bảo dưỡng lại.
4 triệu/m2 chỉ xây được nhà mà không có hạ tầng
* Song Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam có nói rằng trong thời gian tới khi có dự án nào được Chính phủ phê duyệt thì sẽ triển khai thực hiện ngay. Với thời gian gấp rút như vậy thì có thể đưa ra một mẫu thông nhất để các DN áp dụng hay không?
- Vậy thì hãy nên thực hiện thí điểm trước đi đã. Sau khi phân tích điểm khác biệt giữa mẫu nhà thu nhập thấp ở đồng bằng với nhà thu nhập thấp ở vùng núi thì mới tính đến việc nhân rộng.
* Theo ông, làm sao để giúp cho DN đảm bảo có lãi khi xây nhà ở xã hội vì có như vậy mới khuyến khích DN hưởng ứng chủ trương lớn của Chính phủ?
- Cùng một sự hỗ trợ của Chính phủ nhưng có DN lãi nhiều DN lãi ít điều đó phụ thuộc vào trình độ quản lý của mỗi DN. Họ làm căn nhà đó trong bao nhiêu tháng, sử dụng kỹ thuật gì để giảm giá thành.
Như vậy ngoài việc được lãi 10% từ cơ chế thì ông thậm chí còn được lãi thêm 10% do quản lý tốt, lãi 10% nữa do áp dụng kỹ thuật tốt. Như thế, đương nhiên là khuyến khích xã hội phát triển.
* Như vậy rõ ràng việc xây những căn nhà với giá 200 triệu đồng là hoàn toàn khả thi nếu DN biết áp dụng công nghệ mới, thưa ông?
- Mình phải hiểu những căn hộ 200 triệu là hoàn toàn chưa có giá đất, chứ không phải là DN làm tốt đến mức như vậy. Ví dụ như trong trường học thì xây dựng trường học thì không cần phải tính đất, hạ tầng. Tức là 4 triệu m2 chỉ tính đúng giá trị sử dụng của căn nhà đó.
Còn nếu dự án đó nằm trong khu công nghiệp xây nhà cho công nhân thì ban quản lý khu công nghiệp cũng đã phải giải phóng đền bù cho DN, phải xây hạ tầng thì mức giá đó mới xây được.
3 công nghệ giúp tiết kiệm chi phí xây nhà giá rẻ
* Vậy muốn xây nhà giá rẻ thì giải pháp công nghệ cần bàn tới là gì?
- Chúng ta muốn làm nhà ở giá thấp đạt được chất lượng tốt mà vẫn đảm bảo có lãi thì cần phải có công nghệ tốt, tư vấn tốt, vật liệu mới. Ví dụ nếu có 100 triệu DN áp dụng công nghệ cũ thì chỉ xây được 30m2 nhà nhưng áp dụng công nghệ mới thì có thể xây được tới 50m2.
Như vậy, vai trò của khoa học công nghệ, tư vấn ước lượng sẽ làm giảm được 10% giá thành khi triển khai các dự án nhà ở này.
Hiện nay có 3 công nghệ có thể áp dụng để tiết kiệm chi phí: Thứ nhất, là bằng công nghệ bê tông lắp ghép, chất lượng tốt hơn, thời gian thi công ngắn hơn, ít nhân công hơn; Thứ hai, là kết cấu hỗn hợp gồm thép hình, bê tông; Thứ ba, sử dụng vật liệu nhẹ để giảm trọng lượng công trình xuống 60% so với công trình bình thường.
* Xin cảm ơn ông!
Nhà ở xã hội biến người nghèo... qua một đêm thành triệu phú
Tại Hà Nội có một thực tế là khi Thành phố bán cho các đối tượng nghèo đã được xét duyệt rất chu đáo, cẩn thận từ cấp Phường, rồi đến Quận, rồi cả Sở LĐTB&XH xét duyệt, các sở, ban, ngành thẩm định... nhưng rồi khi được cấp ngay lập tức họ sẽ... bán ngay.
Chính vì vậy mà vẫn có câu chuyện những người nghèo này sau một đêm đã trở thành triệu phú chính nhờ những căn nhà đó.
Vì vậy khi triển khai nhà ở xã hội, thu nhập thấp lần này, nếu dự định cho phép các DN khi xây dạng nhà này được quyền bán trực tiếp cho các đối tượng - cần nghiên cứu kỹ. Nếu không sẽ không đảm bảo giao nhà đến đúng đối tượng, đúng mục đích mặt khác sẽ rất khó cho các cơ quan của Nhà nước làm công tác hậu kiểm.
(Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội)
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: