Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, về việc cấp giấy chứng nhận (GCN) cho người mua nhà tại các dự án trên địa bàn. Thành phố cũng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, giải quyết ngay từng trường hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Nhiều trường hợp mua suất tái định cư (TĐC) trước thời điểm ngày 1/7/2004 (ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực), nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết cấp GCN.
|
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 123.000 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất, do không đủ điều kiện cấp GCN theo quy định hiện hành, hoặc do nhà, đất có nguồn gốc phức tạp…
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua suất tái định cư (TĐC) trước thời điểm ngày 1/7/2004 (ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực), nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết cấp GCN. Theo quy định hiện hành, các trường hợp mua bán chuyển nhượng bằng giấy tay trước thời điểm này, không tranh chấp, sử dụng ổn định và phù hợp với quy hoạch thì được cấp GCN.
Tuy nhiên, UBND các quận, huyện nêu lý do, quy định của TP là người dân được bố trí TĐC không được bán suất TĐC nên không giải quyết cấp GCN cho những trường hợp mua suất TĐC. Chính vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện cấp GCN cho các trường hợp mua bán suất TĐC trước ngày 1/7/2004, đã đóng hết tiền mà nay người mua, nhận chuyển nhượng đang sử dụng ổn định, không tranh chấp, khiếu nại và phù hợp với quy hoạch thì được cấp GCN.
Về các trường hợp này, ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh rằng, người dân đã đóng tiền sử dụng đất, hoặc là đã đóng đến 95%, hoặc còn một phần nhỏ vẫn chưa có khả năng đóng. Như vậy, người dân đã luôn đóng tiền một cách hợp pháp, mua nhà cũng rất hợp pháp, phù hợp với đất đã quy hoạch, các chủ trương xây dựng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng nghìn trường hợp không có giấy tờ nhà là một điều hết sức phi lý.
“Tiền thì đóng đủ, mua thì hợp pháp. Vậy tại sao lại không được quyền sở hữu? Một khi không được chứng nhận sở hữu sẽ kéo theo vấn đề quan hệ “ngầm” giữa các bên khác nhau để tìm cách hợp thức hóa mọi cái”, ông Tín nói.
Ngoài ra, các chủ đầu tư vay tiền để đầu tư dự án, dĩ nhiên phải có kế hoạch thu hồi vốn để trả nợ vay ngân hàng, chứ không để cho người mua nhà phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề này. Song song với đó, các ngân hàng trên địa bàn phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay này. Chỉ có thực hiện chưa đúng pháp luật quy định, còn sơ hở khi giải quyết các thủ tục vay vốn đầu tư dự án, từ đó mới để xảy ra tình trạng nhà đã xây xong, tiền thì cũng đã thu của người dân, nhưng các chủ đầu tư lại không nộp cho ngân hàng hoặc là nộp chỉ một phần. “Nguyên nhân nằm ở đây, vì vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính với phía ngân hàng, nên các chủ đầu tư không có đủ giấy tờ pháp lý để hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chủ quyền. Người dân cuối cùng là những đối tượng chịu thiệt, sống trong chính ngôi nhà của mình nhưng không được thừa nhận một cách hợp pháp bằng giấy tờ”, ông Tín chỉ rõ.
Do vậy, lãnh đạo thành phố đề nghị trước mắt, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, ở đây phải xét trên hai yếu tố là mua hợp pháp và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan, thì chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết các quyền lợi pháp pháp cho người dân.
“TP.HCM đã có nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng này, mạnh dạn tháo gỡ trước và đề xuất các cấp Trung ương những gì không thể giải quyết được. Sắp tới, các sở, ngành phải mạnh dạn đề xuất các giải pháp mới tháo gỡ, đã đề ra đề xuất thì phải có khả năng tháo gỡ được. Không được để tình trạng này dây dưa, kéo dài”, ông Tín nhấn mạnh.
Một vấn đề khác có liên quan, hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn hàng trăm dự án phân lô hộ lẻ (PLHL) được thực hiện thí điểm từ năm 1998. Đến năm 2002, UBND TP ban hành Chỉ thị 08 chấm dứt thí điểm việc PLHL này, nhưng đến nay các hộ dân có nhà trong các dự án này vẫn chưa được giải quyết cấp GCN, trong đó nhiều nhất là ở các quận Gò Vấp, 12, Tân Phú, huyện Bình Chánh…
Theo nhiều sở ngành, nguyên nhân là do các dự án PLHL sai quy hoạch, chưa hoàn thành đầy đủ hạ tầng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính… nhưng chủ đầu tư dự án hiện chây ỳ không hoàn thiện hạ tầng của dự án theo quy định để bàn giao cho chính quyền địa phương, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Đối với các trường hợp này, trong những tháng tới, Thành phố sẽ buộc chủ đầu tư phải xây dựng dứt điểm, còn nếu vẫn cố tình kéo dài thì phải áp dụng các biện pháp chế tài thật mạnh, thật cương quyết. TP sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các dự án chung cư trên địa bàn để có biện pháp xử lý hai vấn đề trên.
Theo UBND TP.HCM, các sở ngành cần phải liệt kê các loại vi phạm, nếu UBND các quận huyện xử lý được thì cần làm ngay, chứ đừng máy móc kéo dài thêm thời gian. Đây không phải là chuyện thành phố tìm cách hợp thức hóa, hay khuyến khích người dân làm sai quy định xây dựng, nhưng do việc kiểm tra, kiểm soát thời gian qua quá yếu, quá lỏng lẻo làm tình hình này kéo dài quá lâu. Đầu tháng 12 này phải báo cáo UBND TP tình hình rà soát, kiểm tra và thống kê các trường hợp cần được cấp quyền sở hữu nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: