Top

Nên đầu tư vào đâu?

Cập nhật 26/09/2007 09:00

Chưa có lúc nào mà người có vốn đầu tư lại phải đứng giữa ngã năm, ngã bảy như hiện nay, bởi ngã nào cũng rất khó dự đoán!

Tuy nhiên, đồng tiền nằm yên là đồng tiền “chết”, chỉ có đưa vào đầu tư, luân chuyển mới là đồng tiền “sống”, song nếu dự đoán không đúng, thì tuy “sống” mà còn hơn cả “chết” nếu lãi suất không chỉ “thực âm”, mà còn bị lãi suất danh nghĩa âm - tức là lỗ “kép”.

Hãy bắt đầu từ hình thức đầu tư gửi tiết kiệm vào ngân hàng hay mua trái phiếu. Đây là hình thức đầu tư truyền thống, quen thuộc với nhiều người, thích hợp với những món tiền tạm thời nhàn rỗi, nhỏ lẻ và có thể ít bị rủi ro...

Tuy nhiên, mấy năm trước giá tiêu dùng tăng cao (năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%), năm 2006 tăng thấp hơn (6,6%), năm 2007 mới qua 8 tháng đã tăng 6,8% và nếu 4 tháng cuối năm cũng tăng như cùng kỳ năm trước (tháng 9 tăng 0,3%, tháng 10 tăng 0,2%, tháng 11 tăng 0,6%, tháng 12 tăng 0,5%, tính chung 4 tháng tăng 1,61%), thì cả năm sẽ tăng 8,5%.

Như vậy, giá tiêu dùng đã tăng cao hơn lãi suất tiết kiệm, hay lãi suất tiết kiệm đã bị “thực âm”. Với những người bình thường thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh được lựa chọn; nhưng với những nhà đầu tư vốn luôn coi trọng việc “tiền phải đẻ ra tiền” thì gần như không lựa chọn kênh đầu tư này.

Một kênh đầu tư khác cũng thường được lựa chọn là mua vàng. Đây cũng là kênh đầu tư truyền thống, dễ mua, dễ bán... Đã mấy năm nay, giá vàng lại tăng cao (năm 2002 tăng 19,4%, năm 2003 tăng 26,6%, năm 2004 tăng 11,7%, năm 2005 tăng 11,3%, năm 2006 tăng 27,2%, 8 tháng đầu năm 2007 tăng 5,94%, tính chung tháng 8/2007 so với tháng 12/2000, giá vàng đã cao gấp gần 2,7 lần, trong khi trong thời gian tương ứng, giá tiêu dùng tăng 45,9%, giá USD tăng 11,4%).

Chẳng thế mà đối với nhiều người, “vàng bỏ ống” cũng đã có lãi lớn. Tuy nhiên, vàng tiêu thụ ở trong nước hầu hết là từ nhập khẩu, nên giá vàng ở trong nước phụ thuộc nhiều vào giá vàng thế giới (gần đây lên xuống theo hình “răng cưa”).

Mua USD gửi tiết kiệm lấy lãi cũng là một kênh đầu tư được lựa chọn. Giá USD trên thị trường giảm mạnh so với nhiều ngoại tệ mạnh khác như bảng Anh, euro... và cũng giảm so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, nhưng vẫn tăng lên ở trong nước.

Tuy nhiên, từ vài ba năm nay, giá USD cũng chỉ tăng thấp (năm 2004 tăng 0,4%, năm 2005 tăng 0,9%, năm 2006 tăng 1%, 8 tháng đầu năm 2007 tăng 0,48%). Còn nếu cộng với lãi suất gửi tiết kiệm từ vài tháng nay tăng lên (đạt trên dưới 5%) thì vẫn còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Dự đoán, tỷ giá VND/USD năm nay sẽ khó vượt quá 1% và các năm tới cũng khó mà tăng cao... Sở dĩ như vậy là do có sự chênh lệch giữa tỷ giá VND/USD hối đoái và tỷ giá theo sức mua tương đương lên tới trên 4 lần (một USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với 4 USD tại Mỹ).

Việc “chơi” chứng khoán đã trải qua nhiều bận, lên thì như “phi mã”, mà xuống thì cũng như “rơi tự do”. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam cộng hưởng với “phong trào” đầu tư chứng khoán của hàng trăm nghìn người dân ở trong nước đã làm cho Chỉ số chứng khoán VN - Index tăng “phi mã” vào cuối năm 2006, đạt đỉnh là 1.171 điểm vào ngày 12/3/2007 và bắt đầu tụt dốc, đã mấy lần xuống dưới mốc 900 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài đã hết ngạc nhiên, bắt đầu nhận ra rằng, các nhà đầu tư trong nước khá yếu về vốn, khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ.

Một kênh đầu tư khác là bất động sản. Bất động sản đã qua 2 cơn “sốt nóng” (1993 - 1994 và 2001 - 2002) và 2 cơn “sốt lạnh” (từ năm 1995 đến năm 2000 và từ năm 2003 đến nay). Các chuyên gia dự báo, cơn “sốt nóng” bất động sản lần thứ 3 sẽ bắt đầu từ cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Vào đầu quý II/2007, khi chỉ số giá chứng khoán sụt giảm, cơn “sốt nóng” bất động sản xuất hiện, nhưng chỉ cục bộ (ở một vài khu vực, ở một số loại đất để xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư cao cấp, khu đô thị mới...) và bất ngờ lạnh rất nhanh. Gần đây, giá bất động sản lại ấm dần lên do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào lĩnh vực này; sau khi có thông tin Nhà nước cho phép Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam...

Tuy nhiên, kênh đầu tư này đòi hỏi một lượng vốn lớn cộng với việc phải xem xét kỹ (cả về giấy tờ, vị trí...), nên thời gian sốt sẽ không kéo dài, giá sốt không cao đến nhiều lần như hai lần trước, nhưng cũng có thể vượt qua nhiều lần tốc độ tăng giá của bất kỳ kênh đầu tư nào.

Rõ ràng, việc ra quyết định đầu tư vào đâu là không dễ dàng, đòi hỏi nhà đầu tư phải xem xét, nghiên cứu kỹ và theo sát diễn biến của thị trường để có thể chọn được phương án tối ưu nhất.

Theo Đầu Tư