Top

Sẽ thu hồi, xử lý trụ sở công của các bộ

Cập nhật 25/09/2007 10:00

Trao đổi với báo chí chiều 24/9, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, những cơ quan hành chính có đất công thừa, đang cho thuê sẽ bị thu hồi. Cơ quan chức năng đang quyết liệt rà soát Văn phòng 2 của các bộ tại TPHCM để lên phương án xử lý.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sắp trình Quốc hội đề cập đến vấn đề cho thuê tài sản công. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, với những tiêu cực hiện nay, cần phải làm rõ những cơ quan nào, loại tài sản nào được cho thuê?

Việc cho thuê tài sản áp dụng trong một số trường hợp. Nếu là các cơ quan đơn vị sự nghiệp mang tính chất làm dịch vụ có thể tận dụng tài sản ấy để liên doanh, liên kết cho thuê, thúc đẩy đơn vị chuyển sang hạch toán như công ty, doanh nghiệp.

Đối với cơ quan hành chính nhà nước, về cơ bản không cho thuê, không được quyền cho thuê tài sản công. Cơ quan nào thừa phải trả lại nhà nước, không phải như hiện nay cứ cho thuê bừa bãi.

Theo quan điểm của ông thì phải thu hồi tài sản công dư thừa, vậy ông nghĩ gì trước ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về sự lãng phí, sử dụng sai mục đích trụ sở các bộ tại TPHCM?

Nếu như đối chiếu với tiêu chuẩn mà đất thừa, sử dụng không hết để cho thuê thì đúng là lãng phí. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang lập phương án sử dụng đất của các bộ, ngành trên địa bàn TPHCM. Hội đồng xử lý (có sự tham gia của một Thứ trưởng Bộ Tài chính) xem xét, thứ nhất là quy hoạch, thứ hai là các cơ quan đấy có sử dụng trụ sở hay không. Sau khi đối chiếu với tiêu chuẩn, Bộ Tài chính mới xem xét, thông báo những tài sản nào sẽ chuyển giao cho thành phố, lúc đó thành phố sẽ dùng vào việc khác.

Vậy đến bao giờ thì cơ quan chức năng sẽ có phương án xử lý trụ sở văn phòng các bộ ở TPHCM?

Chính phủ phân công rất rõ ràng, thí dụ nhà công sở do Bộ Tài chính quản lý, nhưng nhà công vụ do Bộ Xây dụng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang làm, làm đến đâu báo cáo xử lý đến đó.

Tuy nhiên, đây là cả một quá trình, không phải thu hồi đơn giản. Vấn đề này rất khó. Chúng ta đang điều chỉnh dần dần để tiến tới cái chuẩn định mức tài sản của các đơn vị. Trên cơ sở chuẩn thì mình mới đo được cái gì là thừa, cái gì là thiếu.

Tại thủ đô Hà Nội, người dân cũng rất bức xúc trước tình trạng vườn thú Hà Nội và nhiều công viên đang bị “xẻ thịt” cho thuê với giá rẻ. Ông nghĩ gì trước thực tế lợi dụng cho thuê đất công ích để hưởng lợi?

Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã lập ban chỉ đạo, thống kê, yêu cầu các cơ quan phải báo cáo, phân loại sử dụng tài sản công, đất đai.

Tuy nhiên, với tài sản công doanh nghiệp quản lý đang là vấn đề nan giải, chưa có chuẩn hóa. Doanh nghiệp thì vẫn có những chỗ thu hồi được, cũng không nhiều. Ví dụ công viên, về nguyên tắc là quản lý doanh nghiệp, cũng có thể chuyển giao cho một tổ chức thuê lại của nhà nước để hoạt động kinh doanh đúng mục đích. Còn nếu cơ quan nhà nước quản lý công viên, thừa diện tích đem cho thuê thì không nên. Tôi cho là không được làm như thế.

Theo Bộ trưởng, trong việc lập lại trật tự việc quản lý tài sản nhà nước, nhất là tài sản cho thuê để tránh lãng phí, điều khó nhất là gì?

Theo tôi, thứ nhất là hệ thống pháp luật phải hoàn thiện, trong luật phải quy định chế tài cụ thể. Thứ hai là gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Tôi ví dụ ở địa phương, có vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp quản lý , phải có trách nhiệm của bản thân người quản lý tài sản. Nếu làm kiên quyết, phối hợp một cách chặt chẽ, tôi nghĩ sẽ làm được. Trong thực tiễn, vừa rồi TPHCM làm rất quyết liệt, rất nhiều tài sản đã được thu hồi.

Vậy có những đơn vị nào đã tự nguyện trả lại tài sản công dư thừa, thưa ông?

Thực tế có nhiều cơ quan tự nguyện trả lại tài sản vượt định mức, một số cơ quan có quyết định thu hồi rồi. Có điều, tôi không nhớ chính xác.

 

Theo VietNamNet