Hình thành từ năm 2006 nhưng sau nhiều năm, dự án nhà ở xã hội của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã “đắp chiếu” vì nhiều vướng mắc.
“Chỗ nào cũng ủng hộ, nhưng vướng nhất là không có đất nên không xây dựng được nhà ở cho những người tham gia dự án”, ông Nguyễn Duy Nhật nói.
Ông Nguyễn Duy Nhật - nguyên Giám đốc Dự án phát triển hợp tác xã nhà ở dành cho người thu nhập thấp và trung bình tại Việt Nam (thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã qua “ký ức buồn” ở giai đoạn cuối của quãng đường công tác. Vẫn nhớ như in về trải nghiệm khó quên ấy, ông trăn trở: “Chúng tôi đã hoài ước về một mô hình nhà ở cho mọi người, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, nhưng đã không làm được như mong muốn”.
Ông nói vậy khi đã về nghỉ hưu, ký quyết định chính thức giải thể Chương trình tiết kiệm nhà ở đã được nhiều người tham gia trước đó, cùng chia sẻ mong muốn có được căn nhà từ thu nhập chính đáng của mình.
Phân khúc nhà ở thương mại vẫn đang trầm lắng
|
Trong câu chuyện của ông Nhật, từ năm 2005, khi Luật Xây dựng còn chưa ra đời, Liên minh Hợp tác xã đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài, cả châu Âu, Mỹ… xem xét. Cái mà những cán bộ của Liên minh đi và thấy là một mô hình đầy tính nhân văn, dành cho mọi người ở Thụy Điển, mô hình đã được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước.
Quan trọng hơn, theo ông Nhật là rất phù hợp với Việt Nam. Cái phù hợp nhất là vì mô hình này dành cho số đông, những người có thu nhập thấp trong xã hội, nhưng cũng là số lượng đông nhất, cần nhất về nhà ở. Ngược lại, họ là những đối tượng ít tiền, ít có khả năng tiếp cận với nhà ở nhất. Và thế là chương trình tiết kiệm nhà ở đã ra đời vào đầu năm 2008.
Ông Nhật mô tả rằng, dự án được xây dựng mang tính cộng đồng chặt chẽ. Đầu tiên, những đối tượng đủ tiêu chí tham gia với hình thức là xã viên hợp tác xã nhà ở, cùng đóng tiền theo tháng vào Chương trình tiết kiệm nhà ở, do Dự án ký với một NHTM với lãi suất tiền gửi ngắn hạn. “Mức đóng chỉ từ một đến ba trăm nghìn đồng mỗi tháng là vừa với thu nhập công chức khi đó”, ông Nhật nói và cho biết thêm rằng, ý nghĩa của dự án là để dành cho nhiều năm sau, khi quỹ tài chính của Chương trình có đủ sức cho các dự án nhà ở cụ thể.
Cũng với tinh thần mọi xã viên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, mô hình dự án hướng tới việc sẽ thành lập ra một ban quản lý khi có dự án nhà ở được triển khai, với những đối tượng được duyệt mua làm thành viên. Khi đó, từ thiết kế đến kết cấu, vật liệu, thiết bị, mầu sơn tường… đều được lấy ý kiến để đưa vào triển khai, các chủ hộ tương lai chịu trách nhiệm phần dôi dư theo tính toán chuẩn ban đầu.
“Sẽ không có lãng phí như nhiều dự án đô thị hiện nay, người mua đều phải sửa chữa ngay khi chủ đầu tư hoàn thành phần thô”, ông Nhật nêu thêm lợi ích của mô hình.
“Tôi thấy mô hình này hay quá... Chúng tôi sơ bộ tính ra, không có chi phí khác lằng nhằng thì dao động khoảng 4 triệu đồng/m2 xây dựng, tính giá cho xã viên lên 8 triệu đồng/m2 cho hình thức trả góp cũng rẻ hơn nhiều mức 30 triệu đồng/m2 khi đó trên thị trường”, ông Nhật tính toán.
Theo thông tin từ ông Nhật, tính đến trước thời điểm giải thể vào năm 2011, đã có hơn 100 người tham gia Chương trình tiết kiệm nhà ở, với người nhiều nhất đóng được 7-8 triệu đồng. Theo tính toán của ông, với các xã viên đóng được 30% giá trị căn nhà, ngân hàng cho vay 70% còn lại và kinh tế phát triển thì mức đóng tăng thêm, kịch bản trên không quá viển vông.
Nhưng dù đầy niềm tin rằng, mô hình dự án nhà ở xã hội của mình có đủ tính ưu việt cho cộng đồng người thu nhập thấp, ông Nhật thừa nhận quá trình triển khai có nhiều cái vướng. “Chỗ nào cũng ủng hộ, nhưng vướng nhất là không có đất nên không xây dựng được nhà ở cho những người tham gia dự án”, ông Nhật nói.
Hình thành đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản lên tới cao trào, ông Nhật “chua chát” với thất bại ngay từ vòng đầu rằng, đất miễn phí không dễ tìm. Ngay cả khi, chính sách đã rõ ràng rằng, với những dự án nhà ở có diện tích trên 10 ha phải dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội, mô hình của ông Nhật cũng không có được “may mắn” tiếp cận phần đất theo quy định đó.
Ông Nhật nhớ lại, lúc đó xây dựng mô hình, chúng tôi có làm việc với Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng đã giao đơn vị chức năng nghiên cứu. Nhưng, “chi phí xin dự án lớn, mình làm gì có tiền đâu…”, ông Nhật nói và thêm: “Ngay cả quy định dành 20% đất của dự án có diện tích trên 10 ha cho nhà ở xã hội, thực tế họ không bao giờ cho mình, mà thậm chí diện tích công cộng còn bị chuyển thành nhà ở…”.
Đỡ “thê thảm” hơn, tại TP. Hồ Chí Minh những “ưu ái” của chính quyền địa phương khiến cho mô hình nhà ở xã hội của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp cận được hai khoảnh đất. Tuy nhiên sau đó, không có động thái nào chứng tỏ dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý đất đai. “Có những đơn vị nhờ chúng tôi xây dựng mô hình riêng cho họ, cũng với mong muốn sẽ sớm có nhà ở cho cán bộ công nhân viên, nhưng ý tưởng tốt đẹp đó đều phá sản”, ông Nhật cho biết.
Cũng theo vị này, cho đến nay Dự án phát triển hợp tác xã nhà ở dành cho người thu nhập thấp và trung bình tại Việt Nam vẫn là mô hình duy nhất phù hợp với người có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi, các dự án nhà ở xã hội khác hiện nay vẫn là bài toán kinh doanh của DN, không mang tính giải quyết vấn đề bức xúc xã hội về nhà ở. Cho nên kết cục buồn đã được báo trước với Dự án mang nhiều lợi ích cho số đông này.
“Trước khi tôi nghỉ hưu đã phải làm quyết định dừng chương trình tiết kiệm nhà ở, để mọi xã viên rút tiền đóng góp”, ông Nhật buồn buồn nói. Và thêm, thế là người thu nhập thấp vẫn chưa được quan tâm về nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: