Top

Hỗ trợ thị trường địa ốc: Tránh “đám cháy” hàng tồn lan rộng

Cập nhật 18/03/2013 10:14

Cần thận trọng khi bơm tiền cho chủ đầu tư các dự án bất động sản vào thời điểm này, bởi nếu không tính toán hợp lý, có thể khiến “đám cháy” hàng tồn lan rộng.

Dự thảo thông tư quy định việc cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 7/1/2013) của Ngân hàng Nhà nước đang làm nức lòng giới đầu tư bất động sản khi yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay hỗ trợ lãi suất trong năm sau.

Đối tượng được vay bao gồm cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội và người mua nhà có thu nhập thấp. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng thương mại nhà nước để cho vay các đối tượng nêu trên, thông qua hình thức tái cấp vốn. Thời điểm giải ngân có thể được bắt đầu từ ngày 15/4/2013.

Bình luận về động thái này của Ngân hàng Nhà nước, ông Sam Cucurullo, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE cho rằng, hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua việc kéo giá bất động sản xuống thấp và hỗ trợ người mua nhà giá rẻ với lãi suất ưu đãi là việc làm hợp lý. Tuy nhiên, cần thận trọng khi bơm tiền cho chủ đầu tư các dự án vào thời điểm này.

Theo ông Sam Cucurullo, lý do phải thận trọng là, nguồn cung đang quá lớn, vượt quá sức hấp thụ của thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng làm tình trạng nợ xấu thêm căng thẳng. Ngoài ra, khi nền kinh tế khó khăn, thì thu nhập của người dân giảm sút và họ không có khả năng chi trả cho những khoản lớn như bất động sản.

“Giá bất động sản bị đẩy cao là do bất hợp lý về cung - cầu. Bởi vậy, nếu quản lý bất động sản tốt, thì sẽ kéo giá nhà xuống thấp. Có lẽ, trước mắt, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nên dừng xây dựng các dự án để thị trường có thể hấp thụ hết nguồn cung hiện tại”, ông Sam Cucurullo khuyến cáo.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính đến cuối năm 2012, cả nước tồn kho 26.444 căn hộ chung cư và 15.786 căn nhà thấp tầng. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc giới đầu cơ mắc kẹt khi găm vốn vào các bất động sản tại đây, thì trên thực tế, cũng có những người có nhu cầu ở thực, nhưng không thể ở được, vì hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của nhiều dự án khu đô thị chưa hoàn chỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, số liệu hàng tồn chưa phản ánh được tình hình thực tế, do còn nhiều dự án tồn hàng, nhưng địa phương chưa báo cáo. Đó là chưa kể những trường hợp khó xác định hàng tồn, như dự án nhà chung cư đang xây dựng dở dang, hay đã huy động vốn một phần, đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng phải dừng do không có thị trường.

Là người lăn lộn với thị trường bất động sản nhiều năm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ý thức rất rõ về nguy cơ “cháy lan” khi chủ đầu tư dự án bất động sản được bơm tiền với lãi suất thấp. Theo ông Đực, Nhà nước nên tập trung hỗ trợ người dân, hơn là hỗ trợ các doanh nghiệp.

“Cho doanh nghiệp vay dễ dẫn đến tình trạng xin - cho, tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, có quan hệ tốt, thế lực mạnh. Tốt nhất là cho người dân vay, cho người dân vay trực tiếp cũng là gián tiếp cho doanh nghiệp vay”, ông Đực nói.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, số tiền 30.000 tỷ đồng (tương đương với 1,5 tỷ USD) để phục vụ chương trình này sẽ hỗ trợ được rất lớn cho thị trường, nhiều người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà. Nhưng cần phải làm rõ, đây là vốn ngân sách bỏ ra, hay chỉ là vốn mồi hỗ trợ, thu hút các nguồn lực khác. Nếu là vốn ngân sách bỏ ra, thì cần có cơ chế giám sát nghiêm ngặt và thông tin về các doanh nghiệp được vay phải được công bố rõ ràng, tránh lợi ích nhóm giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong việc xét duyệt đối tượng được vay.

Về thời hạn hỗ trợ lãi suất 6%/năm kéo dài trong 3 năm, theo ông Phạm Sỹ Liêm, là quá ngắn, nếu để hỗ trợ người nghèo mua nhà. “Thời hạn tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà ở các nước phổ biến từ 10 năm đến 20 năm. Người nghèo chỉ vay lãi suất thấp, nhưng phải nhiều năm. Cần phải tính toán lại thời hạn này để người dân vững tin rằng, chính sách hỗ trợ sẽ ổn định”, ông Liêm nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư