Giới đầu tư đang hy vọng khi Bộ Xây dựng vừa đề cập đến một nội dung mới trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) nhằm tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài.
Theo đó, các đối tượng tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được mua nhà ở tại Việt Nam. Đây được xem là “cú hích” quan trọng, mang tính quyết định để “phá băng” thị trường BĐS trong tương lai gần.
Liều thuốc mạnh!
“Gói” hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội chưa thành công khi cả nước chỉ giải ngân được 555 tỷ đồng với tỷ lệ chưa đạt 2% (đến giữa tháng 12-2013) kế hoạch giải ngân. Điều này cho thấy, quá trình vận hành của chương trình tín dụng cho người có thu nhập thấp tiềm ẩn quá nhiều bất cập.
Mâu thuẫn giữa việc chứng minh nguồn thu nhập của người đi vay và cơ chế an toàn tín dụng ngày càng bộc lộ khiến tốc độ giải ngân ì ạch, thậm chí có những thời điểm đứng yên tại chỗ. Nếu không điều chỉnh, thay đổi nhanh về chính sách vĩ mô, “gói” tín dụng ưu đãi này có nguy cơ mất tác dụng.
Trước tình thế bức bách, các bộ liên quan đến nhà ở đã tham mưu Chính phủ cho phép các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà. Ủng hộ quan điểm này, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết, kinh tế khó khăn, người dân không còn tiền trong lúc nguồn lực nằm ở khối nước ngoài. Vậy tại sao chúng ta không cho phép người ta được sở hữu nhà ở tại Việt Nam một cách thông thoáng hơn?
Cứ để họ mua nhà trong thời hạn từ 50 đến 70 năm theo luật định, hết thời hạn chúng ta sẽ thu lại.
Có ý kiến cho rằng, tại các nước khác, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, do trì trệ về tư duy, chúng ta đang sợ người nước ngoài mua nhà, chiếm đất. Nếu điều đó xảy ra, người nước ngoài làm sao “bê” nhà, đất đã mua ở Việt Nam đem đi nơi khác bán? Và đây là cách lý giải thực tế nhất vì sao tồn kho chủ yếu của thị trường BĐS là căn hộ cao cấp, biệt thự bỏ hoang cho dù người nước ngoài định cư, làm ăn ở Việt Nam đang sẵn sàng mua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tán thành quan điểm của Bộ trưởng KHĐT, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để mở tối đa quy định này, chỉ trừ những đối tượng bị kiểm soát an ninh. Vấn đề còn lại là cách thể hiện trong luật cho chặt chẽ, phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự... Có thể nói, mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở trong dự thảo sửa đổi các luật lần này là liều thuốc mạnh để Chính phủ có thể tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: