Top

Luật đăng ký BĐS chưa đủ trị bệnh thị trường

Cập nhật 18/11/2011 08:30


Ảnh minh họa, Nguồn internet
“Việt Nam có điểm số minh bạch thị trường BĐS thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đứng hạng 15/15 và trên thế giới thì xếp thứ 56/56.

Tuy nhiên, pháp luật về đăng ký BĐS, một công cụ đem lại sự minh bạch cho thị trường BĐS thì lại chưa được quan tâm đúng mức, nhiều năm rồi vẫn là dự án luật”. Tiến sĩ Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm, nhận xét như trên trong Hội thảo pháp luật về đăng ký BĐS và kinh nghiệm của CHLB Đức do Bộ Tư pháp phối hợp với Konrad Adenauer Stiftung tổ chức ngày 17-11.

Ông Long cho hay Hà Nội có hàng ngàn biệt thự bỏ hoang mà không bị xử lý, giao dịch ngầm diễn ra rất dữ dội gây lãng phí, thất thoát. Quốc hội đánh giá tham nhũng trong đất đai là lớn và tinh vi nhất. Theo ông Long, hoàn thiện pháp luật về đăng ký BĐS sẽ là một công cụ hữu hiệu để lành mạnh, minh bạch thị trường BĐS, vừa có lợi cho người dân vừa giúp phòng, chống tham nhũng đất đai. Việc đăng ký BĐS là công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với BĐS. Mặt khác, thông qua việc đăng ký, Nhà nước sẽ quản lý được các tài sản đó, đồng thời công khai các quyền, giao dịch về BĐS cho tổ chức, cá nhân có nguồn thông tin cần thiết và chính xác nhất trước khi tiến hành các giao dịch. “Hiện chưa có một đạo luật riêng cho đăng ký BĐS mà các quy định nằm rải rác trong Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở. Năm 2005 và 2008, dự án Luật Đăng ký BĐS đã hai lần được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng có nhiều ý kiến khác nhau nên đến nay Quốc hội vẫn chưa có ý kiến” - ông Long cho hay.

Theo ông Long, quy định hiện hành về đăng ký BĐS có nhiều vướng mắc, chẳng hạn về thời điểm chuyển quyền sở hữu. Đối với đất thì thời điểm chuyển quyền là thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất. Nhưng đối với nhà thì được xác định là thời điểm được công chứng. “Ngay cả việc công chứng, đăng ký hợp đồng, giao dịch cũng thiếu thống nhất. Đất thì pháp luật quy định phải công chứng và đăng ký thì mới có hiệu lực. Còn nhà thì chỉ cần công chứng là có hiệu lực” - ông phân tích.

Minh họa thêm cho mâu thuẫn này, TS Lê Minh Hùng, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, nêu bốn trường hợp tranh chấp trên thực tế về thời điểm xác lập quyền sở hữu đã được chuyển nhượng. Khi ra tòa, các cơ quan có những quan điểm rất khác nhau.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP