Quy định mới của Ngân hàng (NH) Nhà nước về tín dụng phi sản xuất đã cứu hàng loạt NH khỏi áp lực phải thu hồi vốn để giảm dư nợ phi sản xuất (trong đó chủ yếu là các khoản cho vay bất động sản) về mức 16% vào cuối năm.
Một dự án xây dựng chung cư (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
Đặc biệt, theo phân tích của một số chuyên gia, các NH còn dư địa cho vay sẽ mở van tín dụng cho vay mua, sửa nhà.
Tính lại dư nợ
Tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1 cho biết tác dụng lớn nhất của quy định này là làm giảm tức thì dư nợ phi sản xuất. Theo cách tính mới, dư nợ cho vay phi sản xuất của NH chỉ còn 8-9% so với tổng dư nợ, giảm hơn 10% so với cách tính cũ vì đã loại trừ hai khoản cho vay chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu dư nợ phi sản xuất là cho vay mua nhà để ở và cho vay đầu tư xây dựng các dự án nhà ở.
Cần thời gian
Theo nhiều NH, dù được “cởi trói” về chính sách nhưng không có nghĩa các NH sẽ ồ ạt đổ vốn vào BĐS do hiện nay nguồn vốn huy động của các NH không dồi dào. Nhiều NH nhỏ đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2011.
Với NH lớn, dù dư địa cho vay còn cao và nguồn vốn dồi dào nhưng trong bối cảnh “trăm người bán, một người mua” như hiện nay, NH chỉ cho vay những khách hàng có nhu cầu nhà ở thật sự, có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Với nhu cầu đầu tư, NH và cả khách hàng sẽ cân nhắc cẩn thận vì rủi ro rất lớn khi lãi suất cho vay vẫn ở mức 20%/năm. |
Theo các NH, hiện những khoản vay đầu tư dự án nhà ở chủ yếu phát sinh từ năm 2008-2010, theo hợp đồng ký kết với khách hàng chủ đầu tư sẽ giao nhà chậm nhất vào đầu năm 2012, như vậy đủ điều kiện để loại ra khỏi dư nợ phi sản xuất. Theo các NH, quy định của NH Nhà nước cũng có điểm mở, đó là thời điểm 1-1-2012 chỉ căn cứ vào hợp đồng mà chủ đầu tư ký kết với khách hàng, chứ không căn cứ vào tiến độ thực tế.
Chính vì quy định thoáng như vậy nên áp lực trả nợ vay của khách hàng cũng giảm. Trong trường hợp còn “room”, NH sẽ có điều kiện giải ngân tiếp tục để chủ đầu tư hoàn thành dự án và đưa sản phẩm ra thị trường, mở ra cơ hội thu hồi vốn của NH và chủ đầu tư vì theo quy định mới, các khoản cho vay mua nhà để ở mà nguồn trả nợ từ lương không bị tính vào dư nợ phi sản xuất.
Tạo đầu ra cho thị trường
Không chỉ NH mà nhiều chủ đầu tư cũng nhìn thấy tín hiệu tích cực. Ông Hoàng Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, cho rằng với việc tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua nhà để ở có cơ hội tiếp cận vốn NH sẽ tạo đầu ra cho thị trường.
“Người có khoản tiền tiết kiệm kha khá chắc chắn sẽ tính tới việc tìm mua nhà, khi mà giá bất động sản (BĐS) đã giảm khá mạnh như hiện nay” - ông Tuấn nói.
Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, cho rằng hầu hết người có nhu cầu mua nhà để ở đều trông cậy vào vốn vay NH, không nhiều thì ít. Do đó, việc mở van tín dụng cho những đối tượng này sẽ góp phần tạo thanh khoản cho thị trường, giải quyết nhu cầu chính đáng về nhà ở của nhiều người dân.
“Khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS thời gian qua là vấn đề thanh khoản chứ không phải giá cả. Nhiều chủ đầu tư sẵn sàng bán với giá cắt lỗ để thu hồi vốn nếu có người mua. Giải quyết được một phần khó khăn về thanh khoản, không chỉ doanh nghiệp BĐS dễ thở hơn mà nhiều ngành nghề khác cũng hưởng lợi” - ông Hoàng nói.
Từng nhiều lần lên tiếng kêu gọi Nhà nước có biện pháp gỡ khó cho lĩnh vực BĐS, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng thời gian qua hàng loạt dự án BĐS đang triển khai buộc phải ngưng lại do thiếu vốn không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn gây lãng phí của cải xã hội, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy khác. Thực tế do không có vốn để hoàn thiện dự án, chủ đầu tư không thể thu hồi vốn, khách hàng không thể nhận nhà, công trình xuống cấp... Hệ lụy là doanh nghiệp không trả được nợ, khách hàng kiện cáo, chưa kể nợ xấu của NH cũng gia tăng...
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: