Top

​Liên kết đầu tư bất động sản: Lối thoát cho dự án dở dang

Cập nhật 18/03/2014 08:55

Sản phẩm hoàn thành đang cạn trong khi những dự án đình trệ do chủ đầu tư thiếu nguồn lực tài chính, hoạt động cầm chừng, lại không ít.

Bởi vậy, hợp tác đầu tư, rót tiền vào dự án để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện dự án, tạo nguồn cung cho thị trường đang là xu hướng kinh doanh của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) hiện nay.

Hỗ trợ chủ đầu tư

Thị trường đang có dấu hiệu ấm lên, nhưng điều đó không hẳn là cơ hội với tất cả các chủ đầu tư, đơn vị kinh doanh, phát triển dự án BĐS. Tại nhiều doanh nghiệp, sức chịu đựng đang cạn kiệt dần. Thảm cảnh của doanh nghiệp đó là bất lực nhìn thị trường chuyển động khi mà vốn không có, ngân hàng không mở cánh cửa cho vay với đối tượng dưới chuẩn. Sự hỗ trợ từ các đối tác mạnh về vốn và giải pháp bán hàng là cơ may, "cửa sống" cho các doanh nghiệp ốm yếu này.

Liên kết, hợp tác đầu tư chia sẻ quyền lợi kinh doanh bất động sản là giải pháp thúc đẩy dự án về đích nhanh hơn. Trong ảnh: Khu đô thị Xa La, Hà Đông. Ảnh: Đức Giang

Nắm bắt tình hình đó, nhiều nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh BĐS có nguồn tài chính lớn, nhàn rỗi đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ chủ đầu tư để phát triển tiếp sản phẩm, kịp ra hàng đón nhu cầu thị trường. Đặc biệt, với các đơn vị sẵn có hệ thống sàn giao dịch, phân phối sản phẩm, nhân viên tư vấn môi giới thì đây thực sự là chiến lược kinh doanh lâu dài, rất được chú trọng. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như Đất Xanh, Cen Group, EZ Property, VUD, VIC, C&T… với hàng trăm thương vụ đình đám: Dự án Golden West, Tân Tây Đô - Hải Phát, 136 Hồ Tùng Mậu, Resco Cổ Nhuế, Vinaconex 3 Trung Văn…

Ông Nguyễn Viết Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VIC cho biết: "Hầu hết các chủ đầu tư thường có thế mạnh về quỹ đất và xây dựng nhưng lại chưa hẳn đã hiểu đầy đủ về thị trường và yếu về hệ thống phân phối. Do đó, họ đồng ý kết hợp với một đơn vị khác để giải quyết đầu ra cho dự án. Nói cách khác, thực tế các chủ đầu tư khi phát triển dự án thường lo lắng về vấn đề tiếp thị, bán dự án nên sẽ kết hợp với các đơn vị có hệ thống phân phối mạnh để cùng phát triển dự án, yên tâm làm đúng chuyên môn của mình".

Dự án Tân Tây Đô (Hoài Đức) của Cengroup và Hải Phát liên kết. Ảnh: Phí Hà

Đồng quan điểm trên, ông Lê Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhà đất 24h phân tích: Những thương vụ hợp tác này hai bên đều có lợi. Các chủ đầu tư ngoài việc yên tâm về đầu ra, kênh phân phối sản phẩm thì có thêm nguồn lực tài chính để phát triển dự án, khắc phục khó khăn, thậm chí giúp doanh nghiệp và dự án "thoát cửa tử". Các công ty kinh doanh BĐS cũng có nguồn hàng để bán, duy trì hoạt động. Đây còn là hoạt động cạnh tranh thị phần, khẳng định vị thế trên thị trường của các đơn vị kinh doanh, phân phối BĐS.

Cùng có lợi

Hợp tác đầu tư là hoạt động cung cấp nguồn vốn và chia sẻ quyền lợi kinh doanh BĐS, thúc đẩy dự án về đích nhanh hơn. Theo các chuyên gia, điều này rất cần thiết trong giai đoạn thị trường chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn như hiện nay. Hơn nữa, trách nhiệm chủ đầu tư qua đó thêm siết chặt do đơn vị "rót" vốn sẽ kiểm soát, tránh chủ đầu tư sử dụng tiền sai mục đích. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: "Nếu dự án có một chủ đầu tư, quyền lợi định đoạt và sự chủ động ra các quyết sách sẽ tốt hơn. Càng nhiều chủ sở hữu, càng nhiều chi phối, ý kiến. Khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn, nếu cơ chế liên kết lỏng lẻo sẽ không ai nhận trách nhiệm, thiệt thòi có thể đẩy lên người tiêu dùng".

Không chỉ chủ đầu tư, bên "rót" vốn tham gia trong liên kết này, mà nhiều "chủ trò" còn có tầm nhìn xa hơn khi lôi kéo cả các đơn vị xây dựng, nhà thầu vào cuộc chơi. Đó là đội quân đang sẵn có nhân lực, máy móc, nguồn nguyên vật liệu tồn đọng. Như vậy, các nhà kinh doanh này không phải bỏ thêm tiền đầu tư, mà lại gia tăng lợi nhuận, thậm chí được cả tiếng thơm.

Thay vì bế tắc với tồn kho lớn, liên kết, hợp tác đầu tư là liều "doping" đắc lực cho các dự án dở dang. Xu thế này có thể sẽ mạnh dần, phát triển rầm rộ trong năm nay. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp cho tất cả dự án đang đình trệ bởi có những trường hợp chủ đầu tư đã hoạch định sai ngay từ đầu hoặc thủ tục pháp lý còn vướng mắc. Mặt khác, tìm kiếm đơn vị đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng mở hầu bao cũng không phải là việc dễ dàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị