Theo dự thảo Nghị định Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị do Bộ Xây dựng soạn thảo và lấy ý kiến các ngành, các địa phương, việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư được quy định khá cụ thể.
Trên thực tế những trường hợp này xảy ra khá nhiều khi người dân, các doanh nghiệp xây dựng công trình trong điều kiện nằm ở khu dân cư, giáp với nhiều công trình xây dựng, nhà ở khác. Đặc biệt, dạng sự cố gây lún nứt cho công trình lân cận thường xảy ra khi xây dựng những công trình quy mô lớn, cao tầng xây xen trong khu dân cư.
Cũng từ thực tế, từ trước đến nay do chưa có quy định cụ thể, thiếu chế tài nên chính quyền địa phương xử lý các trường hợp này rất khó khăn. Khi quy định này được phê duyệt và áp dụng vào thực tế, chắc chắn các chủ đầu tư sẽ không còn lơ là trong việc khảo sát, ghi nhận bằng văn bản hiện trạng các công trình xung quanh để làm căn cứ giải quyết tranh chấp, thỏa thuận bồi thường thiệt hại, khi có sự cố xảy ra.
Theo dự thảo, trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả.
Việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.
Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các qui định nêu trên, phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời áp dụng biện pháp như đối với một số trường hợp công trình không có giấy phép xây dựng cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
Các biện pháp khác áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng là buộc xin cấp giấy phép xây dựng;buộc phá dỡ đồng thời áp dụng các biện pháp ngừng các dịch vụ cung cấp điện, nước; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng. Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ.
Theo S.H - Kinh Tế & Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: