Đất thổ cư tại các khu vực Hà Nội mới trên các địa bàn giáp ranh với huyện Từ Liêm, quận Thanh Xuân... đang “nóng” lên từng ngày.
Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, đất dịch vụ, loại đất đã từng là mục tiêu “săn lùng” của giới đầu cơ lại đang giảm giá mạnh, kể từ khi Hà Nội thay đổi chính sách đền bù, tái định cư.
Nhanh chân “đón gió”
Trung tâm nhà đất mọc lên như “nấm sau mưa” ở Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội). Ảnh: Đ.K |
Mua đất thổ cư cũng phải cẩn thận |
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Hoàng Trung, Văn phòng môi giới bất động sản Hoàng Trung (xã Vân Canh, Hoài Đức) liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại của khách hàng tìm mua đất. Ông Trung cho biết, các đôi vợ chồng trẻ là những người tìm mua nhiều nhất trong thời gian này. Những thửa đất có diện tích từ 30 - 50 m² đang được “săn lùng” nhiều nhất.
Hiện nay, giá đất thổ cư trên địa bàn xã Vân Canh đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng thời điểm này năm 2008. Một mảnh đất mặt tiền đường liên xã ở đây được giới kinh doanh định giá khoảng 40 triệu đồng/m², trong khi năm trước giá chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/m².
Nhưng dân địa phương cho biết, sẽ khó mà tìm được người bán những mảnh đất mặt tiền như vậy, vì ai cũng biết giá sẽ còn tăng thêm nữa khi các khu đô thị mọc lên và các tuyến đường lớn chạy qua xã này hoàn thành trong vài năm tới. Một mảnh đất trong ngõ ở đây hiện nay cũng có giá rao bán từ 15 - 25 triệu đồng/m² tuỳ từng vị trí. Giá thấp nhất là những mảnh đất nằm sâu trong ngõ, hẻm cũng lên tới 10 triệu - 12 triệu đồng/m².
Thị trường nhà đất ở đây bắt đầu sôi động trở lại kể từ khi dự án khu đô thị Vân Canh của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) khởi công. Cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình khoảng 5km đường chim bay, cạnh các trục đường 50 m kéo dài từ khu đô thị mới Xuân Phương, đường Lê Trọng Tấn và đường 70, khu vực này được dự đoán sẽ là một “Mỹ Đình 2” trong một vài năm tới.
Đây chính là lí do khiến không chỉ giới đầu cơ mà cả những công chức trẻ nhanh chân tìm đến mua đất khu vực này để “đón gió”. Chị Liên, 34 tuổi, nhân viên ngân hàng đang tìm mua đất ở Vân Canh cho biết: “Vợ chồng tôi tính mua một mảnh chừng 40 - 50 m², ngõ hẹp cũng được. Tính ra thì từ đây lên Mỹ Đình cũng không xa, mà giá hiện nay thì chỉ bằng1/4 ở Mỹ Đình”.
Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH tại các văn phòng môi giới nhà đất trên địa bàn huyện Thanh Oai, quận Hà Đông... giá đất thổ cư tại các khu vực này cũng đang tăng lên từng ngày. Ông Quang Đại, phụ trách Trung tâm giao dịch bất động sản Đại Long, Kiến Hưng (Hà Đông) cho biết, ở Cự Khê (Thanh Oai), đất vườn bây giờ cũng phải có giá đến 8 triệu - 10 triệu đồng/m². Cách đây một tháng thì nhiều người còn tìm mua đất dịch vụ, đất nông nghiệp nhưng sau khi Hà Nội có chính sách tái định cư mới thì người ta lại đổ xô đi mua đất thổ cư, kể cả đất vườn, ao.
Đất dịch vụ xuống giá
Từ khi Khu đô thị Vân Canh khởi công thị trường nhà đất ở đây sôi động trở lại. Ảnh: Đ.K |
Sau khi Hà Nội có quyết định chấm dứt việc đền bù tái định cư bằng đất 10% dịch vụ mà chuyển sang đền bù hoàn toàn bằng tiền mặt thì những phần đất dịch vụ đã có từ trước cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Ông Trung (Vân Canh) cho biết, giá đất dịch vụ ở đây hiện nay khoảng 9 - 10 triệu đồng/m². Mức giá này đã giảm nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái. Khi đó 1m2 đất dịch vụ có giá khoảng 12,3 triệu đồng. Còn ông Đại cho biết: “Hiện nay ở Thanh Oai, đất dịch vụ hầu như không có giao dịch. Những ai đã mua trước đây đành chấp nhận chờ đến khi được phân đất chứ khó có thể tìm người mua loại đất này bây giờ”.
Theo lý giải của giới kinh doanh nhà đất địa phương, bên cạnh việc thay đổi chính sách đền bù tái định cư của thành phố, nguyên nhân khiến người ta không mặn mà với đất dịch vụ còn do UBND xã không ký xác nhận chuyển nhượng mua bán đất nữa. Ông Trung nói: “Trước đây UBND xã ký xác nhận việc mua bán chuyển quyền sử dụng đất canh tác và quyền mua đất dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi có đoàn kiểm tra của thành phố về kiểm tra và yêu cầu dừng việc ký xác nhận, xã đã không ký nữa”.
Việc này làm cho giá đất dịch vụ giảm trông thấy. Khi không có xã ký xác nhận, người mua đất dịch vụ không dám mạo hiểm đánh cược với các thoả thuận trao tay. Theo ông Trung, người dân không đồng tình với việc này. Họ cho rằng, đất canh tác hay đất dịch vụ thuộc quyền sử dụng của họ, họ có quyền mua bán trao đổi theo nhu cầu. Xã không nên từ chối ký xác nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Khánh, Bí thư Đảng uỷ xã Vân Canh phủ nhận việc trước đây xã đã từng ký xác nhận cho các hợp đồng chuyển nhượng này. Ông nói: “Chúng tôi chưa bao giờ ký xác nhận các hợp đồng chuyển nhượng này. Luật quy định, khi đã có quyết định thu hồi đất, không ai có quyền mua bán chuyển nhượng nữa”. Ông Khánh cho biết thêm, xã đang tiến hành xét duyệt từ xóm, thôn các hộ đủ tiêu chuẩn nhận đất dịch vụ.
Sau đó còn phải thoả thuận về mức tiền các hộ này phải đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phần đất dịch vụ đó. Khi tất cả việc đó hoàn thành mới làm hợp đồng trao trả các phần đất dịch vụ đền bù cho các hộ. Ông Khánh nói: “Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để bàn giao đất sớm nhất cho các hộ. Sau khi đã bàn giao, các hộ có thể thoải mái mua bán, chuyển nhượng”.
Cũng theo ông Khánh, hiện nay trên địa bàn xã, việc mua bán chuyển nhượng đất thổ cư diễn ra khá sôi nổi. Phần lớn người dân bán một phần đất ở của gia đình để trang trải các chi phí trước mắt, nhất là xây nhà cửa. Trước đây xã có khoảng 1.700 hộ, nay do nhu cầu mua bán, sang nhượng đất, nhiều người đã tách hộ, tách khẩu. Theo thống kê sơ bộ hiện xã đã có đến hơn 2.000 hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: