Với mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bình thường hiện nay thì chỉ còn trông chờ vào nhà ở xã hội.
Lương cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo hệ số tuy cao nhưng thực tế tổng thu nhập lại thấp, giấc mơ mua nhà đối với nhiều người trong số họ gần như là điều xa vời. Vì thế, nhiều cán bộ, công chức vẫn phải ở nhà trọ. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tham quan tổ ấm của họ, sau thoáng lưỡng lự, nhiều người đã đồng tình với lý do: “Mời nhà báo vào xem để khỏi phải tưởng tượng”.
Giấc mơ gần như không tưởng
Chạy xe máy hơn 150 m trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2, TP.HCM), cuối cùng chúng tôi cũng tới được nhà trọ của anh T. (xin giấu tên), giảng viên một trường đại học công lập. “Hẻm tuy sâu, ẩm ướt, luôn ngập nước vào mùa mưa hay triều cường nhưng giá thuê nhà rẻ nên chấp nhận được” - anh T. cười pha chút ngập ngừng.
Trong căn phòng trọ ọp ẹp, diện tích chưa tới 20 m2, anh T. cho biết bốn năm trước, anh tốt nghiệp đại học rồi được giữ lại trường làm giảng viên. Vợ anh công tác trong ngành công an. Tổng thu nhập của vợ chồng anh mỗi tháng chỉ nhỉnh hơn năm triệu đồng. Với số lương ít ỏi đó, vợ chồng anh phải trả mỗi tháng 700 ngàn đồng tiền thuê nhà, tiền ăn uống dù rất tiết kiệm nhưng cũng hết 2,5 triệu đồng. Phần còn lại dùng để trang trải cho chi phí điện thoại di động, xăng xe... “Tháng nào có khoảng ba đám cưới của anh em, bạn bè thì coi như thâm hụt khoản tiền ăn. Nếu chúng tôi có con thì chắc chắn sẽ thiếu trước hụt sau hơn nữa. Mua nhà càng là giấc mơ gần như không tưởng” - anh T. tâm sự.
Cách đó không xa, anh L. - một đồng nghiệp của anh T. cũng có hoàn cảnh tương tự. Vợ anh L. cũng là giảng viên đại học. Mỗi tháng hai vợ chồng anh L. thu nhập tròm trèm vài triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó anh chị tiết kiệm đến tối đa mới may ra đủ trang trải cho những khoản sinh hoạt hàng ngày.
Chị Ngô Kim Ngọc (27 tuổi, giáo viên cấp hai) nói: “Lương giáo viên của tôi vỏn vẹn hai triệu đồng/tháng. Cũng may là tôi dạy toán nên có thêm thu nhập từ dạy kèm hai triệu đồng/tháng. Nhiều đồng nghiệp của tôi dạy môn phụ như lịch sử, địa lý... không ai học thêm cả. Tôi ở nhà thuê đã sáu năm nay, nếu cứ làm giáo viên như thế này thì chắc cả đời tôi không có nổi căn nhà riêng cho mình quá!”.
Ngán lập gia đình vì ở trọ
Anh Th., cũng là giảng viên đại học, cho biết lương anh mỗi tháng trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc còn lại 2,4 triệu đồng. Mỗi khi có đợt thỉnh giảng ở các trường khác thì tính số tiết mà trả thù lao. Tính trung bình cả năm thì thu nhập của anh không vượt nổi ngưỡng ba triệu đồng/tháng. Anh nói: “May mắn là mình còn độc thân nên được ở khu tập thể của trường. Phòng tập thể gần 15 m2, bốn anh em cán bộ giáo viên ở chung. Cuộc sống chẳng khác gì thời sinh viên. Nỗi lo lớn nhất là năm nay tôi lập gia đình. Lương thế này thì thuê nhà, ăn uống đã hết sạch rồi, làm sao dám nghĩ chuyện mua nhà”.
Chị Trần Thị Thanh Loan (30 tuổi, thanh tra viên của một UBND huyện) còn không dám nghĩ đến việc thuê nhà. Lương và phụ cấp của chị tổng cộng gần hai triệu đồng/tháng. Ra trường đi làm hơn năm năm nay, chị chưa tích lũy được đồng nào dù sống cùng nhà với cha mẹ. “Nếu không có nhà của cha mẹ thì tôi không biết ở đâu nữa vì lương không thể trả đủ tiền thuê nhà, điện nước và hàng trăm thứ linh tinh khác” - chị nói. Chị và bạn trai quen nhau đã lâu và muốn tiến tới hôn nhân nhưng cứ dùng dằng vì cưới nhau về chưa biết sống ở đâu. Chị nói: “Chỉ mong nhà nước tính toán sao đó để công chức được nặng túi hơn một chút, chừng đó may ra chúng tôi mới dám mơ đến việc thuê hoặc mua một căn nhà”.
Trông chờ nhà ở xã hội
Với thu nhập của nhiều cán bộ, công chức, viên chức, họ không thể nào với tới dạng nhà ở thương mại giá thấp năm, sáu trăm triệu đồng/căn mà chỉ còn trông vào nhà ở xã hội.
Anh T. cho biết anh có nghe nói tới chính sách nhà ở xã hội của nhà nước. Ngày nào anh cũng nuôi hy vọng được mua nhà ở diện này để ổn định chỗ ở, yên tâm công tác. Theo anh T., vợ chồng anh chỉ cần một căn hộ nhỏ khoảng 40 m2, gồm phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn là với mức lương hiện nay, vợ chồng anh cũng rất khó đạt được ước mơ an cư lạc nghiệp dù có được mua nhà ở xã hội đi nữa.
Theo chị Loan, một mình nuôi thân còn vất vả nên chị chưa bao giờ nghĩ đến việc có thể mua được nhà. Nghe tin về chương trình xây nhà ở xã hội thì cũng mừng nhưng chị nghĩ với mức thu nhập của chị thì khó mà với tới. Thậm chí nếu nhà nước có xây nhà cho thuê thì chắc chị cũng không có khả năng thuê. Còn theo chị Ngọc, nhà ở xã hội nghe thì thấy hay nhưng chỉ sợ không đến được tay những người như chị. Nếu nhà nước cho vay tiền để mua nhà và cho trả chậm, mỗi tháng trích 1/3 tiền lương thì may ra chị mới có khả năng trả. Còn nếu không thì chị sẵn sàng thuê nhà ở xã hội. “Thà thuê nhà của nhà nước còn được ổn định và giá rẻ, không sợ bị chủ nhà bắt chẹt” - chị Ngọc nhận xét.
Nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ: Có thể được thuê, thuê mua nhà ở xã hội
Theo Luật Nhà ở, cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... là các đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Năm 2008, TP.HCM cũng ban hành Quyết định 86 về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. Đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội được mở rộng thêm cho người đã trả lại nhà ở công vụ, có thành tích lao động xuất sắc được thành phố phê duyệt như nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Các đối tượng trên phải chưa có nhà ở, chưa được hưởng chính sách nào về nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: