Thực hiện các chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, nhà nước sẽ trực tiếp hỗ trợ tiền để các hộ nghèo xây nhà ở với mức hỗ trợ 6-7 triệu đồng/hộ.
Tiền Phong có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam. Ông Nam cho biết, cả nước còn khoảng 500.000 gia đình đang khó khăn về nhà ở. Nhiều hộ chưa có nhà ở hoặc nếu có cũng quá rách nát, tạm bợ, không đáp ứng điều kiện ba cứng (tường cứng, nền cứng, mái cứng). Mới đây, kiểm tra thực tế tại một số huyện nghèo cho thấy có hộ sống trong các túp lều, chòi mà không thể gọi đó là nhà.
* Những đối tượng nào được hỗ trợ xây nhà ở, thưa ông?
Theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ về nhà ở phải có đủ ba điều kiện: Hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 170 của Thủ tướng Chính phủ), đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý;
Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.
Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là gia đình có công với cách mạng; gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…); gia đình sống trong vùng đặc biệt khó khăn; và các gia đình còn lại.
* Ông có thể cho biết mức hỗ trợ, mức vay và phương thức cho vay?
Sẽ hỗ trợ trực tiếp đến gia đình để xây nhà theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24m2, tuổi thọ từ 10 năm trở lên, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền.
Ngân sách trung ương hỗ trợ sáu triệu đồng/hộ. Đối với những hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương hỗ trợ bảy triệu đồng/hộ. Địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.
Hộ nghèo có nhu cầu được vay tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội để làm nhà ở với mức vay tối đa tám triệu đồng/hộ, lãi suất ba phần trăm/năm. Thời hạn vay là 10 năm; trong đó, thời gian ân hạn (không phải trả gốc và lãi) là năm năm. Thời gian trả nợ năm năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu 20 phần trăm tổng số vốn vay.
* Số tiền hỗ trợ và vay khoảng 14-15 triệu đồng liệu có đủ để làm nhà ở, thưa ông?
Với khoản 14-15 triệu đồng nếu triển khai ở một số địa phương có rừng, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, mỗi hộ nghèo còn được phép khai thác thêm gỗ để làm nhà (tối đa 10m3). Đi khảo sát, chúng tôi thấy nhiều nơi xây được những ngôi nhà tương đối khang trang, có diện tích tối thiểu là 24m2 và thời gian sử dụng khoảng 10 năm.
Ngoài ra, huy động thêm nguồn vốn từ quỹ Ngày vì người nghèo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam vận động giúp đỡ thêm khoảng 1/3 nữa (tức khoảng 7-8 triệu đồng), mỗi căn nhà có trị giá hơn 20 triệu đồng.
Với một căn nhà có giá trị hơn 20 triệu đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, hoàn toàn có thể làm được nhà tối thiểu 24 m2, đáp ứng điều kiện ba cứng và có giá trị sử dụng từ 10 năm trở lên. Hiện, một số địa phương đã triển khai tốt và được các hộ nghèo ủng hộ.
* Ông có thể cho biết số lượng nhà sẽ xây trong năm nay?
Trong vòng ba năm (2009, 2010, 2011) sẽ cố gắng giải quyết xong nhà ở cho 500.000 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Trong năm 2009, sẽ tập trung ưu tiên xây nhà cho đồng bào Khơ Me (khoảng 33.000-35.000 hộ) ở khu vực miền Tây Nam Bộ và các hộ nghèo trong danh sách hộ nghèo của Nghị quyết 32 của Chính phủ (khoảng 58.000-59.000 hộ).
Như vậy, tính riêng năm 2009, chúng ta phải xây nhà cho khoảng 100.000 hộ nghèo. Các đối tượng còn lại sẽ triển khai tiếp trong những năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2012 là tổng kết.
* Cảm ơn ông.
Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh khẩn trương xây dựng đề án theo quy trình: danh sách hộ nghèo được bầu từ cấp thôn, xã gửi lên chủ tịch UBND huyện phê duyệt; chủ tịch UBND tỉnh tổng hợp thành đề án gửi lên Bộ Xây dựng; Bộ Xây dựng trình Chính phủ để cấp ngân sách xây nhà cho hộ nghèo.
Các tỉnh, thành phải nộp đề án trước ngày 20/4. Sau thời điểm này, tỉnh nào đã nộp đề án, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để phân bổ nguồn vốn trước; tỉnh nào chưa gửi kịp, Bộ sẽ trình và phân bổ vốn sau.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: