Trung tâm mua sắm Eden sắp đóng cửa là một trong những tác nhân khiến giá mặt bằng khu vực trung tâm tăng. Ảnh: Lê Quang Nhật. |
Giá mặt bằng tăng mạnh, nhưng muốn tìm được nơi để thuê không dễ. Nhiều nhà kinh doanh tại TP.HCM than như vậy về việc tìm mặt bằng để kinh doanh mùa làm ăn cuối năm. Trong khi đó, thông tin trung tâm thương mại Eden giải toả vào đầu năm 2010 càng gia tăng áp lực, và đẩy giá thuê mặt bằng tại các trục đường ở quận 1 và quận 3 tăng.
Khó hơn… đãi vàng
Việc chuẩn bị khởi công xây dựng khu “đất vàng Eden” khiến hơn 80 quầy kinh doanh bên trong và phía ngoài trung tâm này phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ mới. Ngặt nỗi, những mặt bằng cho thuê gần đó đã kín chỗ, trong khi các quầy trong Eden Mall lại toàn là bán hàng cao cấp (đá quý, giày dép, trang phục lót, quần áo thời trang...), dời xa trung tâm quận 1 khó mà bán được. Chính vì vậy, việc tìm mặt bằng mới để dời quầy lại càng trở nên gay gắt.
Để giải thế bí, nhiều nhãn hiệu thời trang đã tìm cách xếp hàng vào danh sách chờ ở các trung tâm thương mại khác như Parkson, Zen Plaza, Tax… nhưng cũng chưa có chỗ. Một nhà thiết kế, đồng thời là chủ shop hàng lưu niệm thời trang ở tầng trệt Eden Mall, than: “Cái khó đối với những nhãn hiệu chuyên bán thời trang tơ lụa cho khách nước ngoài là mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi… đều không có chỗ trống mà chen vào”.
Anh Hưng, bán hàng thủ công mỹ nghệ trên đường Lê Lợi, nói: “Bây giờ giá cả không còn quan trọng, vấn đề là thuê được chỗ bán hàng”. Người bạn của anh Hưng vừa tìm được quầy bán ghép chung với shop tơ lụa trên đường Đồng Khởi – chia giá mặt bằng đến 6.000 USD/tháng so với giá thuê mặt bằng đang kinh doanh trên đường Lê Lợi là 4.000 USD/tháng cho 8m2. Giá cao như vậy, nhưng người này mừng húm khi cho rằng mình đã “chớp được cơ hội với giá rẻ”.
Không chỉ ở quận 1 mà ở một số quận, huyện ngoại thành tình hình thuê mặt bằng cũng khá căng thẳng. Thời điểm này, tìm được một mặt bằng đẹp (chiều ngang từ 5m trở lên) tại quận Thủ Đức để kinh doanh ngành hàng bán lẻ có lẽ còn khó hơn đi… đãi vàng! Đường Võ Văn Ngân được giới kinh doanh nhận xét là con đường “hái ra tiền”. Bởi lẽ, hễ có cửa hiệu nào trên đường này có người thuê cũ trả lại là ngay lập tức có người khác đến xí chỗ với giá thuê tăng ít nhất 20 – 30% so với giá thuê cũ. “Ở đây ngày nào cũng có người dò la thông tin tìm mặt bằng bán lẻ. Vì thế, ngoài chuyện lo làm sao thu hút khách hàng, tụi tui còn phải chăm sóc và tạo quan hệ tốt với chủ nhà, nếu muốn có một chỗ kinh doanh ổn định”, chị Hằng, đang kinh doanh cửa hàng quần áo thời trang trên đường Võ Văn Ngân, cho biết.
Tăng bao nhiêu phụ thuộc chủ nhà
Hầu hết các mặt tiền đường phố hiện nay đều lấy bề ngang khoảng 4 - 4,2m và sâu 8 - 10m làm chuẩn. Theo đó, giá mặt bằng chuẩn đường Lê Thánh Tôn (quận 1) hiện khoảng 2.800 - 3.000 USD/tháng; đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Trãi (quận 1) giá tương đương nhau, từ 2.000 - 2.500 USD/tháng. Trong khi đó, theo các hộ kinh doanh tại những đoạn đường chính của quận 5, giá thuê tại đây từ 250.000 - 280.000đ/m2; quận Bình Thạnh giá từ 80.000 - 150.000đ/m2. Tuy nhiên, đối với mặt bằng có chiều ngang rộng từ 5m trở lên giá cao hơn.
Theo khảo sát của công ty CBRE Việt Nam, trong quý 1/2009, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm thành phố trung bình 85 USD/tháng/m2. Giá cao nhất đối với những vị trí có mặt tiền đẹp lên tới 250 USD/tháng/m2. Giá thuê ở các quận khác khoảng 40 USD/tháng/m2.
Tuy nhiên, hiện nay, mức chuẩn đã không còn nữa. Chẳng hạn, một shop ở đường Đồng Khởi có bề ngang rộng 4m, chiều sâu từ 8 – 10m giá bình quân 4.000 USD/tháng. Mặt tiền chỉ cần nhích thêm 1 - 2m thì giá tăng gấp đôi, những mặt tiền rộng từ 6m trở lên giá có thể tăng theo cấp số nhân tuỳ thương lượng. Bà Thanh, thuê cửa hàng bán trang sức gần chợ Bến Thành với giá 2.800 USD/10m2 cho biết: “Chủ nhà vừa đề nghị tăng lên 3.300 USD. Tôi không dám kỳ kèo vì sợ người khác nhảy vào”. Cũng theo bà Thanh, trong các hợp đồng thuê nhà dù đã ghi rõ thoả thuận giá, nhưng thường kèm theo điều khoản “điều chỉnh giá theo thị trường”, do vậy giá tăng đến đâu sẽ phụ thuộc vào… chủ nhà.
Từ đầu năm đến nay, nhiều trung tâm đã đi vào hoạt động. Sắp tới dự kiến sẽ có thêm các dự án như The Plemington, The Everich. Trung tâm thương mại Kumho dự kiến cũng đi vào hoạt động trong quý 4/2009 này… Nhưng xem ra vẫn chưa giải toả được áp lực mặt bằng bán lẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: