Top

Khó đảm bảo chất lượng chung cư

Cập nhật 21/07/2007 16:00

"Chúng ta chỉ có thể yên tâm về chất lượng các công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng nói riêng khi từng khâu thiết kế, thi công, giám sát... đều làm đúng trách nhiệm của mình", ông Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nói.

Các tòa nhà chung cư cao tầng thuộc dạng công trình được Bộ Xây dựng coi là nơi tập trung đông người, cần có chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Chứng nhận này do một đơn vị giám sát chuyên môn độc lập thực hiện theo thông tư 11 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2005.

Có chứng nhận, nhưng "yên tâm từ đầu đến cuối một công trình xây dựng là rất khó", Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Bùi Văn Chiểu, từng khẳng định. Giám sát không phải lúc nào cũng có mặt từ khi công trình khởi công cho tới lúc hoàn thiện, mà phải tổng kết dựa trên kết quả kiểm tra của từng khâu bởi trách nhiệm chính về chất lượng mỗi công trình vẫn thuộc về chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia tư vấn thiết kế, thi công...

Đại diện Công ty Apave, một đơn vị giám sát độc lập làm nhiệm vụ cấp chứng nhận chất lượng công trình, cũng cho biết: "Trong nhiều trường hợp, đơn vị được coi là hoàn toàn độc lập vẫn có mối quan hệ ít nhiều với chủ đầu tư, nhà thầu... Và việc kiểm tra cuối cùng vẫn có sự thỏa hiệp. Chuyện sửa chữa nhiều lần trước khi cấp chứng nhận là khá phổ biến".

Sau đợt dư chấn vì động đất tại Lào giữa tháng 5, khi chỉ những tòa nhà cao tầng mới có thể cảm nhận, ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, khẳng định các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam (từ 9 tầng trở lên) đều được thiết kế để đồng thời chịu đựng được tối đa động đất cấp 7, một số nơi cấp 8 (cấp trung bình) và gió bão cấp 12, giật trên cấp 12.

Tuy nhiên, thực tế một công trình cao tầng sau khi hoàn công chịu được động đất bao nhiêu thì không ai biết. Trên thực tế, đã có những công trình mà các khâu thực hiện không làm đúng nhiệm vụ. Tiêu biểu nhất là vụ "rút ruột" khu nhà A2 Kim Giang năm 2005. Công trình bị đình chỉ thi công từ 2 năm nay vẫn chưa thể triển khai.

Ông Chủng cho biết thêm, hiện ở Việt Nam không có đơn vị nào thực hiện việc kiểm tra độ an toàn chịu lực hay những vấn đề khác về kết cấu một khi tòa nhà đã hoàn thành. Ngay cả trong trường hợp có nghi ngờ về chất lượng, cũng chỉ dùng đến mô hình, nhưng rất tốn kém và chưa từng thực hiện ở Việt Nam. Vì vậy, chất lượng hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của người thực hiện.

Ở nhiều khu chung cư mới như Trung Hòa Nhân Chính, Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công, thậm chí cả The Manor, tình trạng lở trần, nứt tường, trào toilet... đã xảy ra ngay sau khi vừa sử dụng. Ông Bùi Văn Chiểu cho biết: "Nhiều ngôi nhà có kết cấu hoàn chỉnh, tuân thủ mọi tiêu chuẩn đặt ra. Nhưng phần hoàn thiện không tốt khiến cả công trình bị coi là không đạt chất lượng. Ngoài ra, văn hóa sử dụng chưa được quan tâm đúng mức, mạnh ai nấy xử lý không gian nhà mình cũng khiến cho tổng thể công trình bị tổn thương".

Bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng cũng là một quá trình cần thực hiện để đảm bảo chất lượng. Nhưng có một thực tế là đã hơn 10 năm kể từ khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM xuất hiện ồ ạt các công trình nhà cao tầng, cũng bằng chừng ấy thời gian chưa hề có một cuộc kiểm tra, bảo dưỡng nào. Trong khi theo ông Chủng, Bộ Xây dựng có quy định với các khu chung cư cũ, cứ mỗi 3 năm sẽ phải có kiểm tra đánh giá chất lượng và chung cư mới thì là 10 năm.

Sửa đổi quy định để tăng cường chất lượng

Tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tiến hành sửa đổi thông tư 11, với mục đích tăng cường quản lý chất lượng công trình. Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận của đơn vị tư vấn, trước tiên phải có xác nhận đạt chất lượng của chính quyền địa phương (UBND cấp quận hoặc Sở Xây dựng).

Chính quyền địa phương sẽ không phải là đơn vị thường xuyên có mặt ở hiện trường. Nhưng họ sẽ có nhiệm vụ kiểm tra quy trình, thủ tục pháp lý, hồ sơ của các đơn vị giám sát, theo dõi, đảm bảo những đơn vị này hoạt động đúng chức năng. Ngoài ra, họ cũng sẽ tham gia vào những lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, hoàn thiện...

"Chất lượng công trình đã được kiểm soát tốt hơn kể từ khi có thông tư 11. Song, thông tư sửa đổi với phạm vi áp dụng cụ thể hơn, nội dung, tiêu chí kiểm tra rõ ràng hơn, chi phí phù hợp và đặc biệt là xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan... sẽ giúp công trình ngày càng hoàn thiện", ông Chủng khẳng định.

Theo Linh Hương -  Đô Thị