“Việc nhiều chủ đầu tư dự án thay đổi cách làm trong thời gian vừa qua chủ yếu là do áp lực của thị trường. Các biện pháp hành chính nhằm can thiệp vào thị trường, tôi nghĩ là đều không mang lại hiệu quả”.
Từ trái qua: Ông Phạm Thanh Hưng; GS. Đặng Hùng Võ; Ông Lê Hoàng Châu. Ảnh: V.M |
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay đổi sản phẩm để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường cũng là yếu tố kích thích người mua nhà xuống tiền.
"Cần tôn trọng quy luật điều tiết của thị trường"
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn CEN Group
Việc nhiều chủ đầu tư dự án thay đổi cách làm trong thời gian vừa qua chủ yếu là do áp lực của thị trường bất động sản.
Đã là nhà đầu tư thì ai cũng muốn kinh doanh đạt được lợi nhuận cao nhất, vấn đề là cách làm đó phải được thị trường chấp nhận, đó là quy luật chung.
Do vậy, theo quan điểm của tôi, các biện pháp hành chính nhằm can thiệp vào thị trường, tôi nghĩ là đều không mang lại hiệu quả xác thực.
Nếu người mua chấp nhận sản phẩm và có nhu cầu thì người bán sẽ có sản phẩm phù hợp để giao dịch và tạo ra lợi nhuận biên cao nhất, đó là nguyên tắc bất biến.
Còn lại tùy thuộc vào chiến lược của từng chủ đầu tư: quan điểm về tài chính, dòng tiền, rủi ro… từ đó sẽ có trường hợp chủ đầu tư muốn đánh nhanh thắng gọn, bán nhanh thu hồi vốn sớm để tránh rủi ro.
Ngược lại, đối với những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, người ta có thể đầu tư dự án hoàn thiện hơn và dài hạn hơn để chờ những giá trị cao hơn.
Chẳng hạn, tôi thấy có một số dự án, đặc biệt là dự án cao cấp như biệt thự, liền kề, các chủ đầu tư chỉ quyết định mở bán sau khi đã hoàn thiện đầy đủ các tiện ích và hạ tầng.
Tùy quan điểm của các nhà đầu tư nhưng về nguyên tắc thì thị trường nó sẽ tự điều tiết, đó là quy luật bất biến không thể thay đổi được.
“Đừng loay hoay với những bất động sản mà cho cũng không dám ở”
Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đối với nhà đầu tư, cần phải định hình, thay đổi quan điểm thế nào là cao cấp, trung cấp đồng thời phải đưa ra những phương thức bán hàng cởi mở hơn.
Nhà đầu tư đừng nghĩ bất động sản đang được quan tâm thì giá sẽ lên. Việc bán cần mở toàn bộ, công khai, minh bạch vì nếu người dân không tin chủ đầu tư sẽ không tồn tại được. Đồng thời cũng phải xóa chênh lệch, để người tiêu dùng được mua trực tiếp từ chủ đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường cần tìm những nơi có khả năng bán được, tạo ra chỗ sống có thể sống được.
Chúng ta đừng loay hoay với những bất động sản mà cho vào ở cũng không dám ở, hoặc không thể ở. Nhiều nơi ở giữa đồng hoang, không có bảo vệ, không an toàn, không đủ dịch vụ hạ tầng công cộng. Đây là điều khiến ta phải nhìn lại kho bất động sản tồn đọng.
Hiện giá bất động sản đã giảm khá sâu, cá biệt một số dự án đã giảm tới 50%, mức giảm này đã khiến các chủ đầu tư gần như không có lãi hoặc nếu có lãi cũng sẽ rất ít.
Nhiều chủ đầu tư dự án đã thú thực với tôi là giảm giá 50% gần như không có lãi. Mức giá mới này đang rất có lợi cho người mua nhà, nhất là đối với đại bộ phận người dân đang có thu nhập trung bình và thấp như hiện nay, ông Võ cho biết.
"Cái khó vẫn đeo đẳng doanh nghiệp"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM
Những dấu hiệu phục hồi trên thị trường bất động sản là những dấu hiệu nhỏ, từng chút một và không tạo được khả năng để các chủ đầu tư tái sản xuất mở rộng dự án.
Tức là chủ đầu tư thấy rằng có bán được hàng nhưng nếu bán được cả dự án chủ đầu tư không tái tạo được dự án tương tự.
Đây là điều về mặt lâu dài không tốt cho nền kinh tế vì doanh nghiệp phải kinh doanh, phải có lợi nhuận nếu không có lợi nhuận bị ăn vào vốn.
Chuyện giá tăng chứng minh thị trường bất động sản hồi phục nằm ở phân khúc có quy mô trung bình và giá bán trung bình trên dưới 15 triệu đồng/m2, riêng với TP.HCM dự án cao cấp vẫn có giao dịch nhưng giao dịch có ở những dự án thuận lợi nhất, có giá bán hợp lý, chủ đầu tư có thương hiệu…
Sự phục hồi nhỏ chưa tạo kích thích để doanh nghiệp thấy đầu tư bất động sản là hiệu quả cho nên doanh nghiệp bất động sản đang rất ế ẩm trong việc triển khai các dự án bất động sản đã có nhưng hiện doanh nghiệp bất động sản cũng nhìn thấy trong những quy phạm pháp luật, chế định về đất đai doanh nghiệp bất động sản thấy khó khăn khi triển khai các dự án mới với các quy định đó.
Chẳng hạn vấn đề tiền sử dụng đất vẫn là ẩn số đối với doanh nghiệp, là gánh nặng đối với doanh nghiệp cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Vấn đề ký quỹ là gánh nặng tiếp theo đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vấn đề làm dự án không triển khai được bị thu hồi đất nhà nước không bồi hoàn … làm doanh nghiệp cảm thấy khó triển khai các dự án bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: