Ngày 12-4, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cầu Cần Thơ cho Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác cầu Cần Thơ để đưa vào sử dụng.
Theo kế hoạch, ngày 24-4 sẽ diễn ra lễ khánh thành cầu Cần Thơ và khoảng 11g cùng ngày cho xe lưu thông qua cầu.
Toàn cảnh cầu Cần Thơ từ phía bờ Vĩnh Long nhìn sang - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Ảnh: Hoàng Thạch Vân
|
Công nhân phía bờ Vĩnh Long cầu Cần Thơ trồng cỏ
|
Phóng viên đã ghi nhận hình ảnh và cuộc sống trước ngày thông xe
cầu Cần Thơ - chiếc cầu lớn nhất Đông Nam Á.
Tất bật những công việc cuối
Đến nút giao thông IC3 (còn gọi là nút giao thông Quang Trung) TP Cần Thơ và nút giao IC4 (còn gọi là nút giao với quốc lộ 1), chúng tôi thấy hàng chục công nhân đang tất bật lắp đặt tôn dải phân cách bên vệ đường, vài chiếc xe lu mặt đường và một nhóm công nhân đang dùng máy nén đất.
Tương tự, phía đường dẫn vào cầu ở tỉnh Vĩnh Long cũng có vài công nhân đang trồng cỏ giữa đường.
Ông Phan Hoàng Minh Dũng - đội trưởng đội công trình 3 Công ty cổ phần 624 - cho biết đến nay đã hoàn thành 93% khối lượng và hiện có 35 công nhân đang thi công làm đẹp cảnh quan như dọn dẹp mặt bằng, lắp đặt dải phân cách bằng tôn sóng bên đường.
Theo ông Dũng, là đơn vị cuối cùng thi công ở công trình cầu Cần Thơ nên các kỹ sư và công nhân đang nỗ lực để sớm hoàn thành công trình vào ngày 15-4, sớm hơn năm ngày so với hợp đồng. Không chỉ đơn vị thi công mà bà con ở các tỉnh miền Tây cũng trông đợi ngày thông xe cầu Cần Thơ.
Cầu Cần Thơ đã hoàn chỉnh với vẻ đẹp hoành tráng.
Đứng giữa nhịp dẫn cầu Cầu Thơ nhìn hai trụ tháp sẽ cho ta cảm giác cầu chụm vào nhau như hình dáng đầu rồng và đường dẫn vào cầu uốn lượn như thân rồng. Khi đứng giữa cầu nhìn một trụ tháp, mọi người có cảm nhận thân trụ với các bóng đèn nhấp nháy trên trụ như hình tàu con thoi sắp bay vào không gian.
Lúc này hàng trăm bóng đèn chiếu sáng công cộng trên cầu được mở để Ban quản lý dự án Mỹ Thuận bàn giao cho đơn vị tiếp nhận cầu Cần Thơ ghi nhận để quản lý.
Gặp chúng tôi ở cầu Cần Thơ, kỹ sư Mai Bá Chuyên - Công ty cổ phần bêtông 620 Châu Thới, người đã đến đây làm việc từ ngày đầu thi công công trình cầu Cần Thơ - cho biết công trình đã hoàn thành và đơn vị đã rút quân. Hôm nay anh đến đây để thu dọn vật tư thiết bị chuyển đi công trình khác.
Anh Chuyên chia sẻ suốt quá trình tham gia xây cầu, niềm vui lớn của anh là được góp phần vào công trình này nhưng anh cũng cảm nhận một nỗi buồn lớn là sự cố cầu đã làm chết nhiều công nhân và kỹ sư.
Điều đáng nói nữa, theo kỹ sư Chuyên, là các kỹ sư và công nhân VN làm việc ở công trình này với các chuyên gia Nhật đã học tập được kinh nghiệm để có thể thi công những chiếc cầu tương tự.
Đường dẫn từ huyện Bình Minh (Vĩnh Long) lên cầu Cần Thơ
|
200 lao động phục vụ quản lý cầu Cần Thơ
Chiều 12-4, ông Phan Quang Dự - giám đốc Cụm phà Hậu Giang - cho biết sẽ chuyển 200/300 cán bộ, công nhân viên của cụm phà cho đơn vị mới là Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác cầu Cần Thơ để phục vụ việc quản lý cầu sau khi khánh thành.
Trong số 100 lao động dôi dư có 52 lao động (chủ yếu là thuyền trưởng, thủy thủ và thợ máy) sẽ được chuyển về phục vụ ở cụm phà Vàm Cống (An Giang) và theo phà đến các địa phương khác.
Cụm phà cũng chấm dứt hợp đồng lao động với chín người theo nguyện vọng cá nhân. Số lao động còn lại được giải quyết nghỉ hưu do hết tuổi lao động hoặc nghỉ hưu trước tuổi theo nghị định 110 của Chính phủ (nam hoặc nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu là năm năm, có trên 20 năm công tác tại cụm phà).
Cũng theo ông Dự, các cán bộ được chuyển giao phục vụ cầu Cần Thơ đều đã được tập huấn công tác thu phí, duy tu, bảo dưỡng cầu..., chờ ngày làm việc khi khánh thành cầu. Ông nói Cụm phà Hậu Giang cũng yêu cầu cán bộ công nhân viên lao động hết mình, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và đảm bảo an toàn giao thông cho đến chuyến phà cuối cùng.
Những người mẹ đã mất con trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007 bùi ngùi xúc động thắp nén hương trước bia tưởng niệm cho con và đồng nghiệp của con đã khuất - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Đi từ hướng Vĩnh Long lên cầu Cần Thơ nhìn xuống bên phải bạt ngàn một màu xanh của cây dừa, cây chuối, mọi người bị thu hút bởi hình ảnh một ngôi chùa có hình dáng hoa sen nổi lên cao. Đó là Bồ Đề Cổ Tự ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Đây là nơi đặt bia tưởng niệm 55 lao động đã tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26-9-2007.
Ngôi chùa chỉ nằm cách cầu Cần Thơ khoảng 200m và cũng rất gần với nơi 55 người đã nằm xuống ở công trình này.
Chúng tôi bước vào chùa, ngôi chùa đang được xây dựng còn ngổn ngang đất đá. Bên phải là nơi đặt tấm bia tưởng niệm màu đen, khắc chữ nhũ vàng ghi rõ họ tên 55 người đã nằm xuống do sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Theo vị trụ trì chùa, thầy Thích Phước Tấn, ngôi chùa này có cách đây 212 năm và từ khi có bia tưởng niệm thì chùa tiếp đón thêm nhiều phật tử đến viếng và thắp nhang bia tưởng niệm.
Gặp chúng tôi trong sân chùa, bà Đoàn Thị Bảy, 61 tuổi - mẹ của công nhân Nguyễn Văn Đông bị chết năm 18 tuổi trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - ràn rụa nước mắt. Theo bà Bảy, Đông còn có hai người anh bị thương trong vụ này. Thương nhớ con nên cứ đôi ngày bà Bảy lại ghé chùa thắp nén nhang cho con.
Tương tự, gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị The, 61 tuổi - mẹ của công nhân Huỳnh Văn Lực bị chết năm 21 tuổi - quá đau lòng vì con bà chết quá trẻ khi vừa cưới vợ được 19 ngày. Vừa khóc và đưa bàn tay lên lau dòng nước mắt, bà The nói bà đến chùa viếng để cầu mong linh hồn con mau siêu thoát.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: