Top

Hàng ngàn người dân đến xem và đóng góp ý kiến

Cập nhật 06/09/2007 11:00

Từ ngày khai mạc, 2/9, mặc dù thường xuyên có mưa to nhưng triển lãm trưng bày 17 phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội mới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vẫn rất đông người dân đến xem và đóng góp ý kiến. Ban tổ chức cho biết, đến ngày 5/9, đã có hơn hai ngàn người dân đến với triển lãm.

Nhiều ý kiến đã được đóng góp một cách công phu. Việc tổ chức những cuộc triển lãm như thế này không chỉ ghi nhận được những ý kiến khách quan và cũng là những kỳ vọng của người dân về các công trình lớn của đất nước mà còn góp phần nâng cao hiểu biết của người dân.

Theo yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, Nhà Quốc hội phải là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.

Phương án xây dựng Nhà Quốc hội phải gắn với phương án bảo tồn di tích lịch sử, kết hợp hài hoà với không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực. Các phương án phải đề xuất quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trong Trung tâm chính trị Ba Đình (khoảng 22ha); thiết kế kiến trúc, lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế công trình Nhà Quốc hội (bao gồm cả tổng mặt bằng lô D, đường Bắc Sơn, đường Độc lập); đề xuất phương án bảo tồn di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu tại lô D. Sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một quần thể văn hoá trong khu Ba Đình lịch sử gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Quốc hội, khu di tích 18 Hoàng Diệu, khu Thành cổ Hà Nội.

Nhà Quốc hội mới sẽ được xây dựng trên khuôn viên của Hội trường Ba Đình hiện nay với diện tích hơn 1,2ha, trong đó diện tích xây dựng tòa nhà 57.000m2, diện tích sàn 45.200m2, mật độ xây dựng 32%, chiều cao tối đa 30m. Nhà Quốc hội mới sẽ có phòng họp chính 800 chỗ, phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tâm báo chí...

Tại triển lãm, được nhiều người chú ý nhất vẫn là phương án đạt giải A, mã số L787. Phòng họp Quốc hội trên một bệ hình tròn có thân hình trụ và vách xòe ra hình nón, bao quanh bởi một sảnh lớn, từ đây có tầm nhìn đến quảng trường Ba Đình và Lăng ở phía đông, trụ sở Bộ Ngoại giao ở phía Nam. Phòng họp được thiết kế với những dãy ghế quây tròn, bàn chủ tọa ở giữa, khác hẳn so với thiết kế phổ biến của phòng họp hiện nay. Biểu tượng tượng trưng được gắn với truyền thống, các hình dáng cơ bản hình tròn tượng trưng cho mặt trời - người cha và hình vuông tượng trưng cho trái đất - người mẹ.

Trong số 4 thiết kế được trao giải khuyến khích, phương án mã số V027 dành được cảm tình của nhiều người xem. Tòa nhà được thiết kế với 3 tầng làm đế vững chắc, tầng 4 thu lại để 2 tầng trên như được nhấc bổng trên quảng trường. Mặt chính mở ra quảng trường Bắc Sơn, mặt bên được cảm thụ không gian mở của vườn cây. Phòng họp hình trống đồng được phô diễn một phần trong không gian. Bác Nguyễn Quang Minh, cán bộ nghỉ hưu, đánh giá, V027 đã có được phương án sử dụng đất tốt, phương án kiến trúc cũng khá đẹp. Điểm đặc biệt của V027 là ở chỗ giữ được tuyến giao thông hiện trạng. Như vậy người dân có thể qua lại, tạo cảm giác gần gũi mà công trình Nhà Quốc hội lại rất cần có được ưu điểm này.

Các phương án được trưng bày đến ngày 15/9. Tiếp đó, Hội đồng tuyển chọn sẽ tổ chức một buổi hội thảo của Hội Kiến trúc sư VN và các hội nghề nghiệp khác góp ý bổ sung hoàn thiện cho các phương án được chọn. Kết quả sẽ được đệ trình lên Chính phủ quyết định phương án cuối cùng để đưa vào thực hiện.

 

Phương án đoạt giải A khá phù hợp, nổi trội về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là trong việc xử lý khu vực bảo tồn. Tuy nhiên, nếu đứng từ phía tượng đài Bắc Sơn, có cảm giác trục không gian nhìn về phía Lăng Hồ Chủ tịch bị thu hẹp, mất đi tầm nhìn thoáng đãng vốn có.

Anh Nguyễn Tuấn Nam, Cty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp


Nhìn chung các phương án chưa thể hiện rõ được tính dân tộc. Nên chăng giữ lại dáng dấp và đặc biệt là hướng của hội trường Ba Đình cũ. Việc lấy ý kiến của người dân là rất tốt, nếu có thể thì nên lấy ý kiến của người dân tại các thành phố lớn của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, vì đây là công trình quan trọng của đất nước, được người dân cả nước quan tâm.

Bác Nghiêm Văn Khoáng, cán bộ nghỉ hưu

Phương án P246 tuy không được giải nhưng cũng có ý tưởng tốt. Việc sử dụng mái cong tạo nên sự liên tưởng đến mái nhà truyền thống, mềm mại, gần gũi. Phương án được chọn để xây dựng Nhà Quốc hội mới không nên hiện đại quá.

Cô Lê Thị Bình, phường Thành Công, quận Ba Đình 


>>Công bố 17 phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội mới

Theo M.T - Kinh Tế & Đô Thị