Top

Chuyển động vốn trên thị trường bất động sản

Cập nhật 06/09/2007 10:00

Cách nay không lâu, khoảng đầu năm 2006, chuyện tìm vốn đầu tư phát triển các dự án bất động sản còn được bàn nhiều như một vấn đề nan giải, cần giải quyết cấp bách.

Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, khoảng một năm rưỡi vừa qua, thị trường đã có những chuyển động hết sức sinh động.

Thị trường vốn đã được khai thông

Nhìn lại thời điểm đầu năm 2006, thị trường bất động sản ở vào chặng cuối mệt mỏi của nạn “đói vốn”, từ sau khi Nghị định 181 buộc nhà đầu tư phải xây dựng hoàn chỉnh sản phẩm mới được kinh doanh.

Khi ấy, các ngân hàng trong nước vẫn thắt hầu bao theo quán tính trước một thị trường đóng băng kéo dài và một phần khác bị ràng buộc bởi các cảnh báo hành chính của Ngân hàng Nhà nước.

Vì thế, mặc dù đang có dự án trong tay, phần lớn chủ doanh nghiệp bất động sản đi lên từ nguồn vốn hạn hẹp tích lũy được ở giai đoạn phân lô bán nền trước đó gần như mất năng lực đáp ứng định hướng phát triển đô thị mới theo hướng hình thành các khu dân cư tập trung, cao tầng với đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội. Đối với nhiều chủ dự án trong nước, việc tìm kiếm thêm vài chục tỉ đồng lúc đó xem ra cũng rất khó!

Nhưng những diễn tiến mới trong năm 2006, nhất là vào những tháng cuối năm đã làm nên sự thay đổi ngoài mong đợi cho thị trường bất động sản. Theo ông Huy Nam, chuyên viên kinh tế và chứng khoán, vốn đã được khai thông từ nhiều nguồn, xuất phát từ sức hấp dẫn của thị trường bất động sản trong tình hình cơ sở hạ tầng phát triển quá chậm so với nhu cầu của nền kinh tế sau một thời gian “nghỉ đông” quá dài.

Đầu tiên, luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường nhằm đón đầu cơ hội phát triển các loại hình bất động sản thời “hậu WTO”. Nhiều doanh nghiệp FDI triển khai các dự án vốn hàng chục, hàng trăm triệu đô la Mỹ tại các trung tâm đô thị lớn làm cho thị trường bất động sản “nóng” lên.

Các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm kiếm cơ hội tham gia vào thị trường, các quỹ đầu tư chuyên ngành cũng bắt đầu xuất hiện. Mặc dù trong thời gian đầu còn loay hoay tìm hướng tiếp cận thị trường, nhưng với mấy lần tăng vốn, các quỹ này đang phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, ông Huy Nam cho rằng chính sự phát triển chóng mặt của thị trường chứng khoán trong năm 2006 đã tạo ra luồng vốn đầu tư trong nước cực lớn cho thị trường bất động sản. Một mặt, các công ty có giá cổ phiếu lên cao có xu hướng chuyển dịch một khối lượng lớn vốn huy động được sang thị trường bất động sản, đặc biệt là các ngân hàng.

Nhờ huy động được lượng vốn nhiều ngàn tỉ đồng, các ngân hàng không chỉ chuyển vốn sang đầu tư bất động sản dưới nhiều hình thức mà bắt đầu cạnh tranh cho vay để giải ngân. Nhờ đó, khách hàng là các chủ đầu tư dự án cũng như những cá nhân vay mua nhà đất có thêm nhiều hình thức vay ưu đãi, linh hoạt và dài hạn hơn. “Điều này mang ý nghĩa kích cầu quan trọng, tạo thêm sự sôi động cho thị trường bất động sản”, ông Nam nói.

Bên cạnh đó, kênh đầu tư cá nhân vào nhà đất cũng được kích hoạt trở lại từ những người thắng lớn trên thị trường cổ phiếu. “Sự kích hoạt này góp phần làm nóng thị trường, kéo theo nguồn vốn đầu tư khá lớn ở trong dân”. Ông Nam cho rằng nguồn vốn này chỉ có thể huy động hiệu quả khi thị trường khởi sắc, sản phẩm có tính thanh khoản cao. “Tuy khó có thể xác định được số vốn từ kênh này, nhưng với hai lần sốt giá nhà đất hồi tháng 3 và tháng 8 vừa qua, có thể thấy đây là nguồn vốn đầu tư rất tiềm năng”.

Mặt khác, ông Trương Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân, cho rằng gần đây, thị trường bất động sản đang chứng kiến xu hướng tăng cường hợp tác giữa các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức như hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập liên doanh, mua bán cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của nhau...

Sự hợp tác diễn ra liên tục và đa dạng giữa các doanh nghiệp bất động sản với nhau, giữa doanh nghiệp bất động sản với các đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan đến việc phát triển dự án bất động sản, với các định chế tài chính trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, thậm chí là giữa các doanh nghiệp ngoài ngành nhưng có nhu cầu đầu tư vào bất động sản...

Theo ông Sơn, các doanh nghiệp chọn đối tác dựa trên thương hiệu và những điều kiện phù hợp chứ không phân biệt trong hay ngoài nước. “Quá trình này đang tháo gỡ bài toán về vốn tại nhiều doanh nghiệp”, ông nói.

“Sung” không rụng bừa bãi


Với tình hình nguồn vốn đang diễn tiến tốt đẹp, ông Sơn ví von sự thèm khát đầu tư vào thị trường bất động sản trong tương lai (nếu thị trường được kích hoạt tốt) sẽ nhiều như “sung trên cành” so với các ngành kinh tế khác vì bất động sản hấp thu vốn dễ dàng hơn.

Tuy nhiên theo ông, “sung” không rụng bừa bãi. “Tôi thấy các nhà đầu tư tài chính thường luôn “chọn mặt gửi vàng”, họ xem xét rất kỹ về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trước khi bỏ vốn đầu tư. Bằng chứng là thời gian vừa qua, những doanh nghiệp bất động sản nhận được sự hỗ trợ vốn từ các công ty tài chính lớn trong và ngoài nước đều có uy tín thương hiệu, có bộ máy năng động, trình độ cao, có chiến lược bán hàng hiệu quả hoặc ít nhất cũng có những nỗ lực tiếp thị, xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ, từ đó mới được nhận diện”.

Đồng tình với nhận định này, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Viên Nam, cho rằng nếu như trước đây, lợi thế kinh doanh thuộc về các doanh nghiệp có vốn tự có lớn thì với sự phát triển của thị trường vốn hiện nay, lợi thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp có chuyên môn cao, định hướng tốt và quản trị chuyên nghiệp.

Theo TBKTSG